TIN MỚI NHẤT

Bình Thuận: Huy động tối đa nguồn lực chăm sóc, trợ giúp cho người khuyết tật

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Bình Thuận có 19.840 người khuyết tật, chiếm 1,68% dân số, gồm các dạng tật về vận động, về thính giác, về thị giác, về tâm thần, khuyết tật do bệnh lý, đa tật khác…; có khoảng 30% người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không đủ khả năng tự lo cuộc sống của bản thân, gia đình và có 40% người khuyết tật mong muốn có việc làm ổn định và hòa nhập cộng đồng. 

Một số kết quả đạt được

Trong những năm qua, các cấp, các ngành triển khai thực hiện Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2012-2020; Kế hoạch phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2015 – 2020… UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách thông qua các văn bản chỉ đạo, các cuộc họp của UBND tỉnh với các ngành và thông qua các hội nghị sơ kết, tổng kết… qua đó, các chế độ, chính sách đối với người khuyết tật được thực hiện đầy đủ, những vấn đề vướng mắc được UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo kịp thời.

Công tác tuyên truyền chính sách đối với người khuyết tật, thanh niên khuyết tật được tỉnh quan tâm thực hiện, đảm bảo cho người khuyết tật hiểu rõ được những quyền lợi do nhà nước đảm bảo. Việc tuyên truyền, phổ biến được thực hiện thông qua chuyên mục “Giới thiệu Văn bản quy phạm pháp luật”, chuyên mục “Pháp luật và Cuộc sống” do Đài Phát thanh - truyền hình Bình Thuận phối hợp với Sở Tư pháp đã cập nhật và lựa chọn những thông tin pháp luật mới có liên quan đến quyền và lợi ích của đối tượng là thanh niên khuyết tật được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nhằm góp phần nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻem, thanh niên khuyết tật cho người dân. Sở Tư pháp đã lồng ghép phổ biến nội dung pháp luật về Luật Người khuyết tật tại các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ công tác tư pháp cho đội ngũ công chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác tư pháp tại địa phương. Phát hành 4.500 quyển Bản tin Tư pháp đến các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó đăng tải nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ, các chính sách pháp luật cho thanh niên khuyết tật.

Tỉnh rất quan tâm đến việc giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật ở địa phương. Qua đánh giá của các đơn vị trường học cho thấy những học sinh khuyết tật khi đến trường học tập đã giúp cho các em bớt đi tâm lý mặc cảm, tạo được mối giao tiếp rộng rãi với cộng đồng. Nhiều học sinh thể hiện tình cảm bạn bè trong quá trình giúp đỡ bạn khuyết tật đến lớp, học tập, bộc lộ tấm lòng nhân ái, trong sáng, cao đẹp.

Công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật nói chung và thanh niên khuyết tật nói riêng được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.968 người khuyết tật còn khả năng lao động (thanh niên chiếm khoảng 30%), số người khuyết tật được học nghề khoảng 300 người, số người có việc làm và thu nhập ổn định khoảng 150 người.

Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay cho vay vốn giải quyết việc làm cho 210 người là thanh niên khuyết tật, tàn tật; thông qua các Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh, tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, Chợ việc làm tại các địa phương đã tư vấn giới thiệu việc làm cho khoảng 30 người khuyết tật, giới thiệu được 08 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp.

Việc thăm hỏi, tặng quà cho người khuyết tật tại các cơ sở bảo trợ xã hội được tổ chức thường xuyên nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 hàng năm. Từ năm 2011 – 2014, mỗi năm thăm tặng quà cho 05 cơ có chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật với định suất 2.000.000 đồng/suất quà; năm 2015, thăm tặng quà cho 06 cơ sở với định suất 2.500.000 đồng/suất quà.

Các hoạt động văn hóa - thể thao cho người khuyết tật tại địa phương cũng được duy trì thường xuyên. Năm 2011, tổ chức thành công Hội thi văn nghệ - thể thao người khuyết tật toàn tỉnh lần thứ hai; năm 2014, hưởng ứng Hội thi tiếng hát người khuyết tật toàn quốc, tỉnh Bình Thuận đã tuyển chọn được 09 diễn viên là người khuyết tật tham dự Hội thi tại khu vực miền Đông Nam Bộ, đoạt giải nhì toàn đoàn với 02 huy chương vàng, 02 huy chương bạc và được chọn tham dự đêm chung kết Hội thi tiếng hát người khuyết tật toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, đạt 01 huy chương vàng, 02 huy chương bạc.

Công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại các bệnh viện ngày càng được chú trọng đầu tư và phát triển theo phương thức xã hội hóa. Đã được các bệnh viện thực hiện lồng ghép vào khoa Y học cổ truyền và khoa Vật lý trị liệu, riêng Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng có khoa Phục hồi chức năng riêng để phục vụ điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đã triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn người khuyết tật phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng qua hệ thống phát thanh của trạm y tế, qua các buổi tư vấn trực tiếp. Các cơ sở y tế đã lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe cho 3.295 người khuyết tật ở địa phương và hiện nay có 2.886 người khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe.

Hoạt động chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các các nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đã chủ động vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xe lăn, xe lắc và dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật; phối hợp với Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật tổ chức khám lọc cho đối tượng khuyết tật tại các huyện, thị xã, thành phố; vận động các doanh nghiệp quan tâm, nhận giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật, giúp người khuyết tật có thể tự chăm sóc bản thân, bớt mặc cảm, hòa nhập với cộng động.

Tiêu biểu trong công tác xã hội hóa hoạt động chăm sóc cho người khuyết tật là mô hình giải quyết việc làm cho người khuyết tật của Công ty TNHH Tranh cát Phi Long, được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2006 là Công ty sản xuất tranh bằng cát với ý tưởng nghệ thuật độc đáo, đã sáng tác nhiều bức tranh rất sinh động, sản phẩm của Công ty được xuất khẩu nhiều nước trên thế giới, được tỉnh và Trung ương đánh giá cao. Từ năm 2006 đến nay đã đào tạo nghề cho 300 lao động (phần lớn là thanh niên), một số lao động đã tự mở các cơ sở sản xuất hoạt động riêng, hiện nay số lao động còn lại làm việc cho Công ty là 50 lao động, thu nhập bình quân hàng tháng của mỗi lao động từ 2 - 3,5 triệu đồng, góp phần tạo việc làm cho người khuyết tật.

Còn đó khó khăn

Một số chính sách đối với người khuyết tật như: hỗ trợ học văn hóa, dạy nghề, việc làm và những quy định trong Bộ luật Lao động về tỷ lệ lao động là người khuyết tật mà các doanh nghiệp phải nhận, quỹ việc làm cho người khuyết tật chưa được các cấp, các ngành và xã hội quan tâm thực hiện đầy đủ. Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng để thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật còn hạn chế nên vẫn còn một bộ phận người khuyết tật gặp khó khăn, người khuyết tật thất học, không có nghề nghiệp, không có việc làm và không có nguồn thu nhập để bảo đảm cuộc sống. Gia đình người khuyết tật chưa chăm sóc tốt cho họ, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của nhà nước và xã hội. Bản thân người khuyết tật chưa nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn, mặc cảm để hòa nhập cộng đồng.

Đội ngũ giáo viên tham gia công tác dạy nghề cho người khuyết tật, tàn tật không nhiều, tham gia giảng dạy dưới hình thức cầm tay chỉ việc. Vì đây chủ yếu là đối tượng khiếm thính, mù nên đòi hỏi giáo viên cũng là người khiếm thính, khuyết tật có phương pháp truyền đạt bằng cử chỉ, hành động, lời nói khác với giáo viên bình thường. Các đối tượng khuyết tật, tàn tật tham gia học tập phải bố trí chỗ ăn, chỗ ở phù hợp nên khó khăn cho cơ sở đào tạo. Công tác tìm kiếm việc làm sau khi học nghề còn nhiều khó khăn.

Một số địa phương trong tỉnh có điều kiện khó khăn về tài chính và nhân lực nên công tác chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng cho thanh niên khuyết tật chưa được quan tâm đúng mức. Ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại không thuận tiện nên thanh niên khuyết tật vẫn khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụy tế.

Một số kiến nghị

Để quan tâm, giúp đỡ đối tượng thanh niên khuyết tật ở địa phương ngày càng tốt hơn, Bình Thuận kiến nghị Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung sau: (1) Cần xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát và rà soát lại sốlượng thanh niên khuyết tật tại địa phương đểtổchức đào tạo các nghề phù hợp với khảnăng học tập và tạo việc làm cho các đối tượng này; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi mởcác lớp bồi dưỡng giáo viên dạy nghềcho người khuyết tật. (2) Quy hoạch, đào tạo giáo viên chuyên biệt về giáo dục hòa nhập về kiến thức và kỹ năng để thực hiện công tác đào tạo cho người khuyết tật. (3) Xây dựng bộ trắc nghiệm chỉ số IQ (intelligence quotient) dành cho đối tượng khuyết tật trí tuệ, giúp các đơn vị có định hướng cho học sinh trong quá trình học tập. (4) Quan tâm đầu tư kinh phí mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe đối với người khuyết tật nói chung, thanh niên khuyết tật nói riêng, nhất là trong công tác chăm sóc phục hồi chức năng.


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP