TIN MỚI NHẤT

Hội nghị tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp

  • /
  • 23.8.2013 - 22:20

Sáng ngày 21/8/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị tổng kết 08 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 05-KH/TU, ngày 04/4/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược cải cách tư pháp; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.

Qua 08 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 05-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ tư pháp không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, chất lượng hoạt động ngày càng nâng lên; hoạt động của các cơ quan tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ điều tra, khám phá án ngày càng cao, nhất là trọng án và những vụ án nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm. Công tác điều tra, xử lý án về cơ bản không để xảy ra oan sai. Chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, dân sự… và hoạt động tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng lên. Chất lượng thực hành quyền công tố tại các phiên tòa từng bước được nâng cao, bảo đảm được tính dân chủ, khách quan và công bằng, đúng pháp luật trong công tác xét xử. Tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp ngày càng được tăng cường. Vai trò giám sát của cơ quan dân cử, hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp ở địa phương.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, chiến sỹ làm công tác điều tra, xử lý tội phạm còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ; trong hoạt động tố tụng, công tác điều tra, xử lý tội phạm còn có sai sót, một số vụ án tiến độ giải quyết còn chậm và kéo dài; chất lượng điều tra và kiểm sát điều tra chưa cao, số vụ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn nhiều. Kết quả tranh tụng tại toà án của kiểm sát viên giữ quyền công tố có nhiều vụ hạn chế; chất lượng xét xử của ngành tòa án có mặt chưa cao; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; công tác thi hành án dân sự vẫn còn một số hạn chế. Đội ngũ luật sư của tỉnh phát triển chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng; đội ngũ giám định viên tư pháp còn thiếu; hoạt động công chứng viên vẫn còn xảy ra sai sót. Mạng lưới trợ giúp pháp lý chưa thực sự phát triển mạnh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử về lĩnh vực tư pháp chưa nhiều và chưa thường xuyên, nhất là cấp huyện.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể và Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy tiếp tục bám sát Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 05-KH/TU, ngày 04/4/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 để triển khai thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Quá trình đó, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn về tổ chức, bộ máy và cán bộ; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tập trung nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án của Tòa án các cấp, trọng tâm là hoạt động xét xử, hạn chế án bị hủy, sửa, án quá hạn luật định, tỷ lệ giải quyết án phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Tiếp tục thực hiện chủ trương từng bước xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp để kịp thời phục vụ nhiệm vụ cải cách tư pháp và đáp ứng yêu cầu của người dân. Tăng cường đầu tư các công trình xây dựng cơ bản của các cơ quan tư pháp, có kế hoạch hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà làm việc, kho vật chứng, trại tạm giam, nhà tạm giữ… đảm bảo phục vụ có hiệu quả các hoạt động của các cơ quan tư pháp. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp địa phương, tạo thuận lợi cho các cơ quan tư pháp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.

                                                                          N.Q.T

 

 


  • |
  • 1738
  • |

Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP