TIN MỚI NHẤT

“Dân vận khéo thì việc gì cũng sẽ thành công”

Công tác dân vận luôn được xem là một trong những nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo ra phong trào quần chúng rộng lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết, biểu dương, khen thưởng điển hình phong trào thi đua “Dân vận khéo”, giai đoạn 2016 - 2020

Cùng với các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là kết quả của sự quan tâm, nổ lực, tâm huyết của toàn hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là những điển hình “Dân vận khéo”, nhiều mô hình hay, mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều điển hình mang lại hiệu quả tích cực

Qua 05 năm, nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị, của đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” có sự chuyển biến tích cực, lan rộng khắp ở các cơ quan, đơn vị và địa bàn dân cư, Phong trào thi đua “Dân vận khéo” và triển khai “Năm Dân vận khéo” 2020 với nội dung “04 không” đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang y tế” tại các khu dân cư; mô hình “Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” gắn với truyền thông “Nâng cao nhận thức cho phụ nữ về tác hại rác thải nhựa và thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần”,“Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”, “Tuyến đường xanh và bồn hoa làm từ chai nhựa tái chế”; tổ“Phụ nữ tuyên truyền, vận động hạn chế sử dụng túi ni lông và bảo vệ môi trường”; tổ “Phụ nữ nói không với túi nilon”; tổ “Thu gom và vận chuyển rác thải... và nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, giải quyết những khó khăn, bức xúc của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các hoạt động nhân đạo, từ thiện... đã thu hút đông đảo các tổ chức và nhân dân tham gia. Việc xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được các cấp, các ngành quan tâm hơn. Qua quá trình thực tiễn, nội dung và phương thức công tác dân vận ngày càng được đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức để chăm lo và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Song bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn không ít khó khăn, yếu kém. Trong đó, việc phát động, triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực sự chưa đều, chưa mạnh; việc triển khai “Năm Dân vận khéo” 2020 với nội dung “04 không” ở địa bàn dân cư và trong các cơ quan, đơn vị chưa rõ nét; một số nơi chưa nhận thức rõ nội dung, ý nghĩa của phong trào. Trên thực tế, có nhiều vụ việc ở cơ sở, nếu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể “khéo léo” hơn trong công tác vận động sẽ hạn chế phát sinh những vấn đề phức tạp, kéo dài. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền vẫn cho rằng, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, dẫn đến thiếu sự phối hợp, hỗ trợ làm cho hiệu quả công tác vận động không cao; trên thực tế, một số địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc xác định mô hình; việc xây dựng mô hình, điển hình trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp chưa nhiều. Việc tổng kết đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo” có nơi vẫn chưa thực hiện kịp thời.

Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục phát triển

Từ tình hình thực tế địa phương, để công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng trong thời gian tới đạt được nhiều kết quả toàn diện hơn; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị tổng kết, biểu dương, khen thưởng điển hình phong trào thi đua “Dân vận khéo”, giai đoạn 2016 – 2020. Thiết nghĩ, trong thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan, đơn vị cần bám sát nội dung phát động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tập trung thực hiện. Đồng thời, thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về công tác dân vận và “Dân vận khéo”. Mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị là một cán bộ làm công tác dân vận một cách tích cực, hiệu quả.

Hai là, từng ngành, địa phương rà soát triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trọng tâm là Kế hoạch số 158-KH/TU, ngày 09/09/2019 thực hiện Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá  XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và Chỉ thị số 44-CT/TU, ngày 23/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhất là nội dung “04 không”: “Không gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp”;“Không xả rác nhựa và rác thải sinh hoạt bừa bãi”; “Không vi phạm Luật Giao thông đường bộ”; “Không tụ tập gây rối, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội” được phát động từ năm 2020 trong toàn hệ thống chính trị gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác dân vận, nhất là công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời nắm và giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề bức xúc của nhân dân; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TU, ngày 05/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công trên địa bàn tỉnh Bình Thuận gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, tận tụy.

Bốn là, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức vận động hướng mạnh về cơ sở, gần dân, sát dân, tập trung “Dân vận khéo” trong việc phát huy ý tưởng, phương thức tạo ra sức mạnh tổng hợp, huy động sự tham gia của nhân dân thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương, cơ quan, đơn vị; tập trung vận động thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào và các gương điển hình “Dân vận khéo”. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để động viên, cổ vũ phong trào; tăng cường các hoạt động học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mô hình mới, cách làm hay giữa các địa phương, đơn vị, không để các điển hình được tuyên dương trở nên “khép kín”, giới hạn trong phạm vi một địa phương hoặc một đơn vị. Các điển hình “Dân vận khéo” được tuyên dương tiếp tục phát huy tốt hơn, nâng chất lượng mô hình để lan tỏa mạnh mẽ hơn trong xã hội.

 


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP