TIN MỚI NHẤT

Tăng cường công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai những tháng cuối năm

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình thiên tai, bão, lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường; những tháng cuối năm 2020 cần đề phòng bão mạnh, lũ lớn ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực tỉnh Bình Thuận, các cấp, các ngành, các địa phương không được chủ quan, lơ là, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, làm tốt công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai với mục tiêu giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Thi công tuyến kè bảo vệ bờ biển tại thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết

Thời gian qua, tình hình thiên tai, sự cố diễn biến bất thường, xảy ra không theo quy luật, rất phức tạp và ngày càng cực đoan trước sự tác động của biến đổi khí hậu. Các loại hình thiên tai xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận như: Hạn hán, lốc xoáy, sét, sạt lở, mưa to ngập lụt, gây nhiều thiệt hại, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đã được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện đạt kết quả quan trọng; tuy nhiên, tình hình mưa bão hiện nay còn diễn biến bất thường, một số đoạn bờ biển, đường giao thông bị sạt lở; một số địa bàn có nguy cơ ngập lụt khi mưa lớn… đòi hỏi phải có phương án xử lý, ứng phó.

Để chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là ứng phó với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn có thể xảy ra những tháng cuối năm 2020, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 01/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai; Kế hoạch số 209-KH/TU ngày 26/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Công văn số 05-CV/TU ngày 21/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Kế hoạch số 3168/KH-UBND ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Kế hoạch số 209-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy...

Chính quyền các địa phương cần rà soát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu, kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng dân cư để chủ động tổ chức di dời, sơ tán, bảo đảm an toàn khi có thiên tai; kiểm tra các công trình đê, kè, hồ đập, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng để kịp thời sửa chữa, khắc phục và có phương án bảo đảm an toàn; rà soát phương án ứng phó thiên tai, trong đó cập nhật kịch bản ứng phó tình huống xảy ra bão mạnh, mưa lũ lớn kéo dài nhiều ngày trên địa bàn, phương án sơ tán dân cư đến nơi an toàn; rà soát, mua sắm, đầu tư hỗ trợ trang thiết bị, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các đơn vị chức năng cần chủ động chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện; tổ chức giám sát, vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa nước, nhất là hệ thống hồ chứa có dung tích lớn, hồ đập xung yếu, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn; tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, thông tin vận hành xả lũ, cảnh báo xả lũ đảm bảo an toàn vùng hạ du, thực hiện theo đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt. Đồng thời, rà soát, cập nhật, bổ sung các phương án cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là phương án ứng phó với tình huống mưa lũ lớn kéo dài, diện rộng, thiên tai, sự cố xảy ra tại khu vực miền núi, vùng xa. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho nhân dân về các loại hình thiên tai, các kinh nghiệm và kiến thức phòng tránh, nhất là việc chủ động phương án ứng phó, khắc phục hậu quả với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn kết hợp xả lũ hồ chứa. Đồng thời, xác định phòng chống, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP