TIN MỚI NHẤT

Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam

Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày quân đội Mỹ rải chất hóa học dioxin xuống Việt Nam, hậu quả của hành động đó để lại những tổn hại rất lớn, rất lâu dài đối với đất nước và con người Việt Nam, cả về môi trường sinh thái, sức khoẻ con người và các vấn đề xã hội khác.

Đồng chí Dương Văn An - Phó Bí thư Tỉnh ủy thăm nạn nhân chất độc da cam

Bình Thuận là một trong những địa bàn gánh chịu hậu quả nặng nề của vũ khí hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam: Từ năm 1962 đến năm 1970, quân đội Mỹ đã rải xuống địa phương khoảng 2,6 triệu lít chất độc hóa học; trong đó, chất da cam là 1,9 triệu lít, chất trắng là 448 nghìn lít, chất xanh là 162,3 nghìn lít và một số chất khác là 57 nghìn lít. Toàn tỉnh hiện có 5.826 người nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin; trong đó có: 952 người tham gia kháng chiến bị nhiễm trực tiếp; 1.221 người là con, cháu của những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất chất độc da cam/dioxin; dân thường và đối tượng khác 3.653 người.

Xác định công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề lâu dài và cấp bách hiện nay. Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) đã ban hành Chương trình hành động số 36-NQ/TU, ngày 21/8/2015, để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động số 36-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy).

Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 1862-CV/BTGTU, ngày 03/9/2015 hướng dẫn tuyên truyền về công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Ủy ban nhân dân tỉnh có Kế hoạch số 3693/KH-UBND, ngày 19/10/2015 triển khai thực hiện Chương trình hành động số 36-NQ/TU, ngày 21/8/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các tổ chức Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc có văn bản triển khai thực hiện, tổ chức phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Quá trình thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Công văn số 1290-CV/TU, ngày 01/10/2018 chỉ đạo, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục thực hiện các nội dung, giải pháp được nêu tại Chương trình hành động số 36-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 164/QĐ-UBND, ngày 14/01/2016 thành lập Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 – 2020 và thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo.

Trong các năm qua, các sở, ngành chức năng và các địa phương đã phối hợp giải quyết tốt các chính sách cho các đối tượng bị nhiễm và phơi nhiễm chất độc hóa học; giải quyết chế độ trợ cấp theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ cho 908 người, trong đó người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin là 664 người và 244 người là con ruột của những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất chất độc da cam/dioxin; giải quyết hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ cho 16.240 người khuyết tật. Các ngành chuyên môn đã tiến hành khám, giám định cho 394 người bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; trong đó, có 310 người được chứng nhận mắc bệnh, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học và 34 người được chuyển tuyến Trung ương. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với các địa phương tiến hành giải mã, cung cấp phiên hiệu, ký hiệu trên địa bàn 03 huyện còn tồn lưu chất độc hóa học gồm: xã Thuận Minh và xã Hàm Chính (huyện Hàm Thuận Bắc); xã Phan Điền và xã Hồng Phong (huyện Bắc Bình); xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam); phối hợp rà soát, xác định các khu vực Mỹ rải chất độc hóa học trên địa bàn, từng bước tác nghiệp lên bản đồ tỉnh; phối hợp với Quân khu 7 tiến hành khảo sát, thu gom, xử lý chất độc hóa học theo “Dự án Z7 năm 2006” thuộc các tỉnh trên địa bàn Quân khu 7.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở thông tin và Truyền thông và các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức 84 đợt chiếu phim lưu động tuyên truyền về cuộc chiến tranh thảm khốc tại Việt Nam; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hơn 100 chuyên đề và hơn 425 tin, bài thời sự tuyên truyền, phản ánh công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh trên sóng phát thanh và truyền hình để chuyển tải các nội dung phóng sự, tin chuyên mục, các bài xã luận phân tích, đánh giá tác hại, hậu quả lâu dài của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với con người, môi trường sống; các nội dung về chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác khắc phục, giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; tình hình đời sống của những nạn nhân và gia đình nhiễm chất độc da cam/dioxin...

Nhờ đó, các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã quan tâm tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cho nạn nhân chất độc da cam cải thiện đời sống, hòa nhập cộng đồng; tích cực hưởng ứng, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm (10/8/1961 - 10/8/2016) thảm họa da cam ở Việt Nam, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm và vận động kinh phí, quà tặng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin với số tiền trên 1,3 tỷ đồng; trao vốn hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin phát triển sản xuất, cải thiện đời sống 3,7 tỷ đồng... Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc dacam/dioxin tổ chức 1.048 buổi tuyên truyền cho 26.275 đoàn viên hội viên và các tầng lớp nhân dân để vận động tích cực tham gia Cuộc vận động “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 20 căn nhà với giá trị hơn 01 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề, vay vốn phát triển sản xuất cho 97 hộ/885 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng của các Ngân hàng; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, thăm tặng quà vào các dịp lễ, tết cho các nạn nhân ảnh hưởng chất độc hóa học với tổng giá trị gần 27 tỷ đồng...

Nhìn chung, qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư và các văn bản có liên quan của Trung ương, của tỉnh; nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể về công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam có chuyển biến tích cực; từng ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực trợ giúp cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ổn định cuộc sống, hỗ trợ cho tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tiếp tục phát triển và hoạt động ngày càng hiệu quả. Các ngành, địa phương đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin và hoàn thành mục tiêu cụ thể, đạt tỷ lệ 100% người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công theo quy định; hoạt động trợ giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin ngày càng đa dạng, vừa thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, vừa mang tính nhân đạo, xã hội, là điều kiện bảo đảm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Hầu hết các nạn nhân chất độc da cam/dioxin có nhận thức đúng đắn, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nỗ lực, phấn đấu vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đi vào nề nếp, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của đông đảo nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về tác hại, hậu quả lâu dài của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với con người, môi trường sống và về các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với công tác khắc phục, giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam có lúc, có nơi chưa thực hiện thường xuyên, đầy đủ. Việc xác định các nội dung để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Chương trình hành động số 36-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 3696/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh có lúc, có nơi chưa cụ thể, kịp thời, còn mang tính chất hoạt động phong trào, nhân đạo, từ thiện. Sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp chưa thật sự chặt chẽ, nhất là trong công tác thống kê, rà soát, phân loại, xác minh, hướng dẫn các đối tượng nạn nhân chất độc da cam xác lập hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi; do đó, vẫn còn nạn nhân chất độc hóa học chưa được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách về học nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng...

Để thực hiện các giải pháp thiết thực, có hiệu quả trong việc khắc phục, xử lý hậu quả tồn lưu của chất độc hóa học sau chiến tranh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục tuyên truyền sâu rộng những nội dung cơ bản Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư, Chương trình hành động số 36-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo kịp thời việc tổ chức thực hiện của các ngành, địa phương; thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng về công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam. Các cấp chính quyền tiếp tục phát huy vai trò quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội nói chung, chính ưu đãi đối với các nạn nhân da cam nói riêng; tạo điều kiện thuận lợi cho các nạn nhân da cam tham gia các chương trình, dự án về giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm; kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho các nạn nhân da cam theo quy định; giúp đỡ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí và chế độ đối với cán bộ hội các cấp. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, giúp đỡ tạo điều kiện để tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin hoạt động ngày càng hiệu quả; tăng cường các hoạt động liên tịch, phối hợp vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tiếp tục tham gia chăm lo, giúp đỡ nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng vì mục tiêu “Tất cả vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”. Cùng với đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, sát cơ sở; nắm vững tình hình nạn nhân để kịp thời đề xuất, triển khai việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân phù hợp với tình hình thực tiễn. Chú trọng đối tượng người có công với cách mạng, những hộ gia đình có nhiều nạn nhân và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những nạn nhân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng núi, những người chưa được hưởng chế độ chính sách và quan tâm đến những người dân sinh sống tại địa bàn quân đội Mỹ rải chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội theo Điều lệ hội, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ trong các hoạt động nhân đạo. Các cơ quan thông tin, truyền thông tiếp tục tuyên truyền về tác hại, hậu quả lâu dài đối với con người, môi trường sống mà chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Chiến tranh đã lùi xa, những nỗi đau da cam/dioxin vẫn còn đó. Nhưng với sự nỗ lực, chung tay của Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội cùng các tổ chức quốc tế, hậu quả của chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam đang được từng bước xử lý, hướng tới mục tiêu mang lại môi trường an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người dân cũng như làm vơi bớt nỗi khó khăn, vất vả cho các nạn nhân da cam/dioxin.

 


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP