Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo của tỉnh Bình Thuận năm 2023

Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Xác định năm 2023 là năm giữa giai đoạn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 90/QĐ-TTg, ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt, huy động sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn tỉnh nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững.

(Thường trực Tỉnh ủy tặng quà cho hộ nghèo)

Để thực hiện đạt chỉ tiêu giảm 0,52% hộ nghèo toàn tỉnh mà Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã đề ra trong năm 2023, các cấp, các ngành, nhất là các ngành trong Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh toàn diện của cả hệ thống chính trị trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện đầy đủ các dự án, tiểu dự án thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Cụ thể:

- Chính sách tín dụng ưu đãi: Trong năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho 3.986 hộ nghèo vay 181.712 triệu đồng; 10.022 hộ cận nghèo vay 458.451 triệu đồng, 19.828 hộ mới thoát nghèo vay 739.859 triệu đồng để đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT): Bảo hiểm xã hội đã cấp 56.921 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo để khám, chữa bệnh; đồng thời, thực hiện đảm bảo việc miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. 

- Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo: Đã vận động đóng góp được 22,733 tỷ đồng vào Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh, đạt tỷ lệ 239,3%. Từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” và nguồn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã xây dựng 138 căn nhà và sửa chữa 08 căn nhà cho hộ nghèo với tổng số tiền 8,992 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ sở tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo với 7.083 phần quà cho tín đồ, hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 2,815 tỷ đồng.

- Chính sách đào tạo nghề: Các cấp, ngành đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ bằng nhiều hình thức thông qua hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện các mô hình giảm nghèo; gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Qua đó, đã đào tạo nghề cho 244 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng kinh phí là 911,355 triệu đồng.

- Chính sách trợ giúp pháp lý: Trung tâm trợ giúp pháp lý cấp tỉnh, cấp huyện đã tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí kịp thời cho người nghèo trên các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính và các lĩnh vực khác.

(Tập huấn công tác giảm nghèo tại huyện Hàm Thuận Nam_Ảnh Báo Bình Thuận)

 

Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình, dự án liên quan đến sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đạt kết quả khá; vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, cá nhân hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều nhằm hỗ trợ, giúp đỡ và khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của hộ nghèo, hộ cẫn nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 6.621 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,96% tổng số hộ toàn tỉnh, giảm 2.038 hộ so với tổng số hộ nghèo đầu năm (8.659 hộ), giảm 0,62% so với tỷ lệ hộ nghèo đầu năm (2,58%); trong đó, số hộ nghèo DTTS là 2.037 hộ, chiếm 7,73% tổng số hộ DTTS và chiếm 30,77% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, giảm 764 hộ so với tổng số hộ nghèo DTTS đầu năm (2.801 hộ). Hộ cận nghèo có 12.203 hộ, chiếm tỷ lệ 3,62% tổng số hộ toàn tỉnh, giảm 2.152 hộ so với số hộ cận nghèo đầu năm (14.355 hộ), giảm 0,65% so với tỷ lệ hộ cận nghèo đầu năm (4,27%); trong đó, số hộ cận nghèo DTTS là 2.827 hộ, chiếm 10,73% tổng số hộ DTTS và chiếm tỷ lệ 23,17% tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Việc giải ngân vốn thực hiện một số dự án, tiểu dự án thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững còn chậm; công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người nghèo còn bất cập, chưa thu hút được đông đảo người tham gia học nghề; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước;…

(Cây bắp lai giúp cho hộ nghèo đồng bào DTTS nâng cao đời sống)

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả CTMTQG giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị trong toàn tỉnh cần tập trung nguồn lực để thực hiện đồng bộ các dự án, tiểu dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo bền vững gắn với các chính sách đặc thù của tỉnh, nhất là Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 11/11/2022 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, tập trung một số nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm thay đổi về nhận thức và hành động của người dân trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo để từ đó người nghèo được học tập kinh nghiệm. Tập trung triển khai các mô hình giảm nghèo tại các xã khó khăn, lựa chọn những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp và hiệu quả đối với điều kiện của địa phương; tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với xuất khẩu lao động; thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối với lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để họ có thể tự tạo việc làm tại chỗ hoặc tìm việc làm trên thị trường lao động và đi lao động ở nước ngoài.

- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở; kêu gọi vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách có nhà ở bị hư hỏng nặng; ưu tiên hộ nghèo là người có công, người cao tuổi, người khuyết tật.-

- Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện CTMTQG giảm nghèo tại địa phương, nhất là tại các xã thụ hưởng từ chương trình.

- Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 và phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong toàn tỉnh.


Các tin khác