Một số kết quả qua 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao

Hơn 02 năm qua, với sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự đồng lòng, nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân trong tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành nông nghiệp ngày càng được khẳng định, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, diện tích tự nhiên 7.942,46 km2, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 356.746 ha, chiếm 44,91% diện tích đất tự nhiên; có bờ biển dài 192 km, ngư trường rộng lớn. Với điều kiện tự nhiên hiện tại, Bình Thuận có đầy đủ điều kiện để phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, bao trùm cả 03 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và được xem là tỉnh có tiềm năng phát triển nông nghiệp rất lớn, nếu khai thác một cách hiệu quả sẽ góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Đặc biệt, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã nhận định phát triển nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là một trong 03 trụ cột kinh tế của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Để thực hiện nhiệm vụ trên, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/9/2021 về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao (viết tắt là Nghị quyết số 05-NQ/TU).

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh cụ thể hóa và tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 05-NQ/TU đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Qua đó, nhận thức của người đứng đầu các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh được nâng lên và cùng hưởng ứng tích cực thông qua việc phát huy trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp của tỉnh; chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nông nghiệp truyền thống lấy sản lượng làm trọng tâm sang sản xuất chế biến, cung cấp dịch vụ nông nghiệp chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao, tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành, địa phương và Nhân dân trong tỉnh, việc thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU đã đạt được một số kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp bình quân 2,94%/năm (mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU là từ 2,8 - 3,3%/năm); tỷ trọng nông, lâm, thủy sản ước tính đến cuối năm 2023 chiếm 26,2% trong giá trị tăng thêm (mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU là từ 22 - 23%). Tỷ lệ độ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 43%. Thu nhập của cư dân nông thôn năm 2023 tăng 1,15 lần so với năm 2020. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 01 ha đất trồng trọt năm 2023 đạt khoảng 130 triệu đồng; duy trì và từng bước hình thành một số vùng sản xuất tập trung mới theo hướng hàng hóa (vùng trồng lúa, vùng trồng thanh long, cao su, cây ăn trái có múi, vùng nuôi tôm, sản xuất tôm giống tập trung…), đặc sản có giá trị, nhiều sản phẩm đã được cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ngày càng gia tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển.

Trong thời gian tới, để giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được trong hơn 02 năm qua, việc phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 05-NQ/TU đề ra, cần triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch phát triển nông nghiệp; triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050([1]) và Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của các huyện, thị xã, thành phố([2]).

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, rừng, khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ ba, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đang công tác trong ngành nông nghiệp, nhất là cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; bảo vệ thực vật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý bảo vệ rừng, chăn nuôi, thú y, thủy lợi.

Thứ tư, tiếp tục rà soát, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa, phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các sản phẩm cây trồng có lợi thế, năng suất, chất lượng cao, mở rộng liên kết vùng. Phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường. Tăng cường quản lý ngư trường, ngăn chặn tình trạng ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Triển khai tốt các giải pháp phát triển rừng và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng; triển khai hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ năm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tăng cường các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, nhất là liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó, doanh nghiệp hợp tác xã giữ vai trò nòng cốt, làm cầu nối thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao hiệu quả công tác dự báo, phân tích thị trường. Chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Kết hợp sản xuất nông nghiệp với hoạt động du lịch ở những nơi có điều kiện.

 Thứ sáu, phát huy nội lực của tỉnh kết hợp với các nguồn vốn của Trung ương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, các công trình, dự án nông nghiệp, nông thôn: Cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, kè biển, thủy lợi, hồ chứa nước, hệ thống kênh nhánh, kênh tiếp nước liên huyện,…; khuyến khích người dân tích cực làm thủy lợi nhỏ, cải tạo kênh mương nội đồng, giao thông nội đồng, phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Tăng cường xã hội hóa đầu tư hạ tầng thương mại khu vực nông thôn (chợ, siêu thị…).

Thứ bảy, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nâng cao năng lực tiếp cận, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường và kịp thời giải quyết các vấn đề, thách thức do biến đổi khí hậu, dịch bệnh gây ra. 

Trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với những thành tựu đã đạt được, với khát vọng vươn lên, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, các cấp, các ngành, địa phương, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân cùng nỗ lực, quyết tâm phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TU, góp phần phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, thực sự là 01 trong 03 trụ cột kinh tế của tỉnh./.                                                                                         

 


([1]) Đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg, ngày 27/12/2023.

([2]) Theo các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch đối với các huyện, thị xã, thành phố.


Các tin khác