Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp cho ý kiến về Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030

  • HMT
  • /
  • 15.12.2023 - 10:21

Trong phiên họp sáng ngày 14/12/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) đã nghe và cho ý kiến về Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Đồng chí Dương Văn An - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì phiên họp. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

Báo cáo tại phiên họp, đồng chí Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thanh long được xếp vào nhóm 14 cây ăn quả chủ lực và là một trong 9 loại cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với tổng diện tích năm 2019 đạt khoảng 60,4 nghìn ha. Trong đó, tỉnh Bình Thuận chiếm hơn 50% diện tích trồng thanh long của cả nước. Cây thanh long được gọi là cây “làm giàu” của bà con nông dân nên diện tích thanh long của tỉnh tăng khá nhanh; năm 2011, toàn tỉnh tỉnh trồng 18.616 ha thanh long với sản lượng đạt 397.584 tấn, năm 2020 tăng lên 33.730 ha, sản lượng đạt 650.000 tấn, qua đó đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gần 30.000 hộ dân với hơn 70.000-80.000 người tham gia và đã mang về giá trị kinh tế bình quân cho tỉnh khoảng 420 triệu USD/năm. Thanh long được tiêu thụ chủ yếu xuất khẩu thông qua đường tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc với 85% sản lượng, còn khoảng 15% được tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình sản xuất, tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn do giá cả thanh long thấp, phụ thuộc phần lớn vào 1 thị trường, trong thời gian Trung Quốc tập trung vào phòng chống dịch bệnh Covid - 19 nên hạn chế nhập khẩu thanh long; bên cạnh đó, một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ đã trồng được thanh long và chủ động được sản lượng sản xuất nên ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tiêu thụ thanh long của tỉnh. Đến cuối năm 2022, diện tích thanh trên địa bàn tỉnh còn khoảng 27.787 ha; sản lượng khoảng 594.000 tấn/năm. Vì vậy cần có giải pháp để tổ chức lại sản xuất ngành hàng thanh long với mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững; nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm thanh long Bình Thuận, góp phần quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, ổn định đời sống của bà con nông dân. 
Dự thảo Đề án xác định mục tiêu đến năm 2030 diện tích thanh long toàn tỉnh ổn định ở mức 25.000 ha (tập trung tại các huyện Hàm Thuận Nam 12.600 ha, Hàm Thuận Bắc 5.000, Bắc Bình 3.000 ha và Hàm Tân 2.000 ha...), năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 70%. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) đạt khoảng 70-75% so với tổng diện tích. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GlobalGAP đạt khoảng 10% so với tổng diện tích. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ (Organnic) khoảng 5% so với tổng diện tích. Ngoài ra, Dự thảo Đề án cũng đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển thanh long bền vững.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng việc xây dựng, triển khai Đề án là hết sức cần thiết, Đề án cũng đã khái quát, đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ thanh long trong thời gian qua khá sát với tình hình thực tế của tỉnh và dự báo được những yếu tố tác động bất lợi đến việc phát triển thanh long; đồng thời, các đại biểu góp ý nhiều giải pháp để giúp người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho thanh long phát triển bền vững.
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Thời gian qua, cây thanh long đã giúp cho nhiều hộ dân trong tỉnh vươn lên “xóa đói, giảm nghèo”, trong đó có một bộ phận làm giàu từ việc trồng, tiêu thụ thanh long. Tuy giá cả thanh long lên xuống không ổn định, có thời điểm giá thấp nhưng cây thanh long vẫn được tỉnh xác định là loại cây trồng chủ lực, có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, cần phải cơ cấu lại, ưu tiên vùng trồng, nâng cao chất lượng, hiệu quả giá trị cây thanh long, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Nội dung Đề án cần xác định rõ hơn vai trò của Nhà nước trong công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng các công trình về thủy lợi, giao thông nội đồng, hệ thống cấp điện nước; hướng dẫn người dân thực hiện tốt các tiêu chuẩn sản xuất sạch, an toàn, thực hiện chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, cần phát huy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất thanh long trong việc triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
 

 


Các tin khác