TIN MỚI NHẤT

Nâng cao đời sống nhân dân - Thước đo kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người định nghĩa: “Chủ nghĩa xã hội, nói một cách đơn giản và dễ hiểu, là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”. Người khẳng định: “Nếu nước nhà độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, Đảng ta luôn lấy việc chăm lo cho nhân dân, nâng cao đời sống của nhân dân là mục tiêu, là động lực để phấn đấu, là “kim chỉ nam” cho quá trình xây dựng chính sách và là thước đo sự thành công hay thất bại của cấp ủy, chính quyền địa phương. Khi nói về kết quả của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Thành công của Đại hội không phải ở chỗ thông qua được nghị quyết, bầu ra Ban Chấp hành mới, cái quan trọng hơn là sắp tới phải đưa nghị quyết vào cuộc sống thế nào, biến nó thành hiện thực thế nào… Nước có giàu, dân phải mạnh, đời sống của nhân dân sung sướng hơn, thế mới là thành công, chứ không phải thông qua nghị quyết, biểu quyết, giơ tay, vỗ tay xong rời coi như thế là Đại hội thành công, đây mới chỉ là một bước”.

Sau khi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, quán triệt sâu sắc chỉ đạo nêu trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) thống nhất bổ sung vào Chương trình công tác toàn khóa việc ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành một Nghị quyết riêng về nâng cao đời sống của nhân dân, thể hiện sự quyết tâm cao của cấp ủy trong việc chăm lo và cải thiện đời sống của nhân dân. Như vậy, với Nghị quyết nêu trên, cùng với các nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp; phát triển du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển công nghiệp và chuyển đổi số, Tỉnh ủy Bình Thuận đã hình thành hệ thống các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong 5 năm và 10 năm tới.

Đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy khảo sát thực địa khu vực triển khai Dự án Kè sông Cà Ty

Sau 30 năm tái lập tỉnh, cấp ủy, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã chung sức, đồng lòng chinh phục thiên nhiên, vượt qua “cái khô, cái khó, cái khổ”, lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Kết quả là, GRDP bình quân đầu người tăng từ 4,55 triệu đồng năm 1992 lên 75,69 triệu đồng (tương đương khoảng 3.248 USD) năm 2022 (gấp 12,89, tăng bình quân 12,89%/năm). Thu nhập bình quân đầu người từ 1,35 triệu đồng năm 1992 lên 48,92 triệu đồng năm 2021 (gấp 36,2 lần, tăng bình quân 13,24%/năm), đứng thứ 18 trong cả nước và đứng thứ 2 trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung Bộ. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều đạt chỉ tiêu đề ra, từ 9,1% (năm 2005) xuống còn 1,15% (năm 2021), thấp hơn mức bình quân chung của cả nước và các tỉnh trong khu vực; đến nay không còn đối tượng chính sách là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bộ mặt đô thị, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc; nhiều khu dân cư khang trang, xanh, sạch, đẹp được xây dựng cả ở thành thị và nông thôn. Cơ sở vật chất phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể dục - thể thao, vui chơi giải trí, bưu chính viễn thông, nhu cầu điện, nước v.v... được đầu tư ngày càng nhiều và hiện đại. Đến nay toàn tỉnh có 14 đô thị, 69/93 xã đạt chuẩn nông thôn và 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thu nhập của phần lớn người dân vẫn còn thấp; đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển và một bộ phận lao động ở khu vực đô thị còn nhiều khó khăn. Chất lượng dịch vụ xã hội, nhất là y tế, vệ sinh môi trường… chưa cao. Thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu của người dân chưa được đầu tư tương xứng. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này là do quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, giải quyết vấn đề lao động và việc làm còn nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân; việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững, bao trùm, “không để ai bị bỏ lại phía sau” còn nhiều thách thức.

Đồng chí Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy thăm các bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhân dịp Tết Trung thu 2022

Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 11/11/2022 của Tỉnh ủy về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm “lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển” với mục tiêu tổng quát là người dân Bình Thuận có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, có việc làm, thu nhập ổn định, được thụ hưởng công bằng phúc lợi xã hội và dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công. Đảm bảo nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công, người yếu thế khác; giúp hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được giữ vững và phát huy. An ninh, trật tự được bảo đảm, người dân có cuộc sống ấm no, bình yên.

Nghị quyết số 12-NQ/TU đã đề ra một số chỉ tiêu trọng tâm như: Phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.200 - 4.400 USD. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,5 - 1,8 lần so với năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 70 - 75% (trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ 30 - 32%). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 95%. Chỉ số hài lòng của tổ chức, người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính (SIPAS) đạt từ 90% trở lên… Phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.000 - 7.500 USD. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2,0 đến 2,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 75 - 80% (trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ 35 - 40%). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%...

Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, tỉnh cần tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh mẽ 03 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp; tạo việc làm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công để phục vụ tốt nhu cầu của người dân; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; nâng cao đời sống văn hóa và đáp ứng tốt nhu cầu luyện tập thể dục - thể thao của người dân; xây dựng môi trường sống văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân; tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phát triển nhà ở.

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lương Thị Con
nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022)

Có thể nói, Nghị quyết về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là Nghị quyết gần gũi nhất, tác động ảnh hưởng trực tiếp nhất đến người dân Bình Thuận và được người dân quan tâm. Để Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, để có thể nhận thấy được, đo lường được sự thay đổi cụ thể, rõ ràng trong đời sống nhân dân, quá trình triển khai Nghị quyết, các cấp, các ngành trong tỉnh cần phải tập trung vào một số giải pháp như sau:

Một là, cần có sự phân công trách cụ thể, có lộ trình phù hợp để triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhóm nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết; gắn công tác lãnh đạo, chỉ đạo với công tác kiểm tra, giám sát; phải khẩn trương bắt tay ngay vào công việc ngay sau khi Nghị quyết được ban hành. Định kỳ hàng năm có đánh giá kết quả cụ thể đối chiếu với Nghị quyết để thấy việc làm được, chưa làm được, từ đó có biện pháp, giải pháp chỉ đạo tiếp theo.

Hai là, cần có sự vào cuộc quyết tâm, đồng bộ của các cấp, các ngành; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và các cơ quan dân cử về việc thực hiện Nghị quyết và các chính sách, quy định của pháp luật có liên quan, nhất là trong việc thực hiện các chế độ, chính sách nhằm nâng cao đời sống của người dân. 

Ba là, cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Nghị quyết đến nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; giúp dân hiểu, nắm rõ mục đích, ý nghĩa, vai trò của Nghị quyết đối với đời sống của nhân dân, từ đó phát huy vai trò của nhân dân trong việc chung tay thực hiện Nghị quyết và tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Với sự vào cuộc một cách quyết tâm, đồng bộ, sự chung tay của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy (khóa XIV) sẽ giúp mang lại cuộc sống ấm no hơn, tốt đẹp hơn cho người dân Bình Thuận.


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP