TIN MỚI NHẤT

Một số kết quả qua 05 năm thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP, ngày 11/6/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho các địa phương trong việc quản lý nhà nước về cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thi công hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Linh (nguồn Báo Bình Thuận)

Qua 05 năm, các cấp, các ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tổ chức, triển khai Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng chú ý:

Công tác tuyên truyền, phổ biến các Nghị định được quan tâm, thực hiện nghiêm túc, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền Nghị định số 68/2017/NĐ-CP đến tổ chức, cá nhân qua đó tạo sự thống nhất nhận thức, đồng thuận, hiệu quả trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Công tác xây dựng, ban hành thực hiện Quy chế phối hợp các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện về quản lý cụm công nghiệp, giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được tập trung triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 2293/QĐUBND, ngày 05/9/2018 và Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND ngày 25/01/2022; theo đó, giao Sở Công Thương làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì việc rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp của tỉnh, đưa ra ngoài quy hoạch các cụm công nghiệp không khả thi và bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp có doanh nghiệp đăng ký đầu tư hạ tầng, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và kết cấu hạ tầng địa phương. Trong giai đoạn 2016 – 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt bổ 04 cụm công nghiệp (Nam Hà, Nam Hà 2, Nam Hà 3 và Đông Hà tại xã Đông Hà, huyện Đức Linh) vào quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, nâng tổng số cụm công nghiệp quy hoạch của tỉnh đến năm 2020 là 36 cụm, với tổng diện tích là 1.182,8 ha. Công tác thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, có 05 cụm công nghiệp được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng, có 23 cụm công nghiệp thu hút, bố trí hơn 173 dự án đầu tư với tổng diện tích 268,2 ha, chiếm khoảng 35,66% diện tích đất công nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp và thu ngân sách cho địa phương. 

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tại các cụm công nghiệp luôn được quan tâm thực hiện, trong đó tập trung ở các lĩnh vực như: môi trường, phòng cháy chữa cháy... UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường, các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện thường xuyên theo dõi, kiểm tra công tác đảm bảo môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong các khu, cụm công nghiệp, cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh. Qua kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp trong những năm qua, phần lớn các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo hồ sơ môi trường đã được duyệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc; đáng quan tâm như: Công tác lập, bổ sung quy hoạch, phương án phát triển cụm công nghiệp còn nhiều thủ tục, điều kiện làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án; chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, cũng như các doanh nghiệp đầu tư tại cụm công nghiệp chưa đủ mạnh (Nghị định số 68/2017/NĐ-CP quy định bằng mức hỗ trợ đầu tư tại khu vực địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn); công tác tổng hợp, báo cáo các số liệu thống kê của các doanh nghiệp, chủ đầu tư tại cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn.

Với những khó khăn, vướng mắc trên trong quá trình thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung sau: (1) Có hướng dẫn cụ thể về hình thức lựa chọn nhà đầu tư làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; theo đó, dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp có thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 không; dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp có thuộc trường hợp phải đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu không; (2) Xác định cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng cụm công nghiệp, do có sự chồng chéo giữa quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, ngày 26/3/2021 của Chính phủ và trình tự, thủ tục thành lập cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP; (3) Có hướng dẫn cụ thể về việc cấp phép xây dựng đối với dự án thứ cấp trong cụm công nghiệp, do nội dung quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP không còn phù hợp với Luật Xây dựng.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Tiếp tục rà soát, xây dựng Phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Tổ chức thực hiện tốt các chính sách, thu hút đầu tư, phát triển cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận tài chính, tín dụng, đất đai,… Trong đó, ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp do ngân sách địa phương đảm bảo; Quy định khuyến khích, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng các Cụm công nghiệp, để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp; tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động của doanh nghiệp; kiên quyết xử lý theo quy định đối với các trường hợp gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường, nhất là các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, các dự án sản xuất trong các cụm công nghiệp.


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP