TIN MỚI NHẤT

HTN: CẢNH BÁO PHƯƠNG THỨC, THỦ ĐOẠN CỦA TỘI PHẠM LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

     Thời gian qua, hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi và ngày càng đa dạng; đối tượng thường lợi dụng lòng tham, niềm tin hoặc sự sợ hãi của bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân. Nhằm giúp người dân tránh bị lừa đảo, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ nêu ra một số chiêu trò lừa đảo phổ biến qua mạng hiện nay cần cảnh giác.

Ảnh nguồn Internet

     7 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng

    (1) Giả mạo tài khoản Facebook, Zalo, hộp thư điện tử của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp bằng cách thiết lập tài khoản Facebook, Zalo, hộp thư điện tử với tên tương tự, lấy hình ảnh đại diện là hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kết bạn với cán bộ, nhân viên cấp dưới sau đó mạo danh chỉ đạo chuyển tiền phục vụ công việc cơ quan hoặc vay mượn xử lý công việc và đề nghị chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng được chỉ định sẵn để chiếm đoạt.

   (2) Giả mạo lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ việc nghiêm trọng như mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy, gây tai nạn nghiêm trọng, bỏ trốn, lừa đảo xuyên quốc gia; giả danh nhân viên thuế thông báo có hàng hóa được nhận cần phải nộp thuế, nhân viên bưu điện thông báo nhận bưu phẩm, nhân viên viễn thông thông báo nợ cước, nhân viên điện lực thông báo nợ tiền điện... Khi nạn nhân trả lời mình không liên quan hoặc không phải là tội phạm được nói đến, các đối tượng lừa đảo sẽ khai thác thông tin cá nhân hoặc nói rằng có thể thông tin cá nhân của nạn nhân bị lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó dẫn dụ nạn nhân làm theo những yêu cầu của đối tượng.

   (3) Giả mạo nhân viên của sàn thương mại điện tử, trung tâm mua sắm, đài truyền hình, công ty xổ số,... gọi điện hoặc nhắn tin cho nạn nhân thông báo họ may mắn nhận được phần thưởng giá trị cao của một chương trình nào đó, thúc giục nạn nhân nếu không thực hiện ngay những yêu cầu đưa ra thì sẽ không có cơ hội nhận được phần thưởng giá trị nữa. Từ đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP gửi về điện thoại hay đưa ra bất kỳ lý do nào khác để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm trộm tiền trong tài khoản.

   (4) Giả danh ngân hàng để gọi điện, gửi tin nhắn, email,... mời chào, cung cấp các khoản vay online từ ngân hàng. Các đối tượng thường tiếp cận với nạn nhân bằng cách gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email qua các ứng dụng nhắn tin miễn phí. Sau đó hướng dẫn nạn nhân làm thủ tục vay hoặc mở thẻ tín dụng qua trang web giả mạo ngân hàng; gửi các văn bản giả “xác nhận phê duyệt khoản vay” cho nạn nhân để tạo niềm tin và yêu cầu nạn nhân nộp tiền lệ phí hoặc tiền trả góp đợt đầu vào tài khoản chỉ định rồi chiếm đoạt.

   (5) Lừa đảo bằng cách gửi tin nhắn rác vào tài khoản người dùng với nội dung tuyển dụng cộng tác viên, nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà với thu nhập cao. Khi nạn nhân làm theo hướng dẫn trong tin nhắn, các đối tượng sẽ tự xưng là nhân viên tư vấn, tuyển dụng của một công ty nào đó hay giả mạo là nhân viên của sàn thương mại điện tử để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng sau đó chiếm đoạt tiền.

    (6) Tự giới thiệu là người nước ngoài, liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân, sau đó đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam; đề nghị nạn nhân nộp các khoản tiền như thuế, phí, cước vận chuyển,... vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để nhận quà.

   (7) Thông qua các ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo lập các trang thông tin tuyển dụng để đưa thông tin quảng cáo về công việc nhẹ, phù hợp với mọi trình độ, hưởng lương cao, kèm theo chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Sau khi nạn nhân đồng ý làm việc, các nhóm tội phạm sẽ liên hệ và tổ chức xuất cảnh trái phép ra nước ngoài làm việc. Sau khi sang nước ngoài, nạn nhân sẽ bị bán vào các sòng bạc, bị cưỡng bức lao động từ 15 - 16 giờ/ngày và bị ngược đãi về mặt tinh thần lẫn thể chất. Khi muốn thôi việc và quay về Việt Nam buộc phải “bồi thường hợp đồng lao động” thực tế là đòi tiền chuộc với số tiền rất lớn.

   Phải làm gì để không mắc bẫy lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

   Để tránh không bị lừa đảo dẫn đến mất mát tài sản, tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, mã OTP, không chuyển tiền cho người khác khi chưa xác thực. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về hình thức lừa đảo mạo danh trên các phương tiện truyền thông. Khi phát hiện các thông tin, tài liệu về các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng để được giúp đỡ.

    Trên đây là phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Ban Tuyên giáo Huyên uỷ tuyên truyền đến toàn thể cán bộ và Nhân dân trên địa bàn huyện nêu cao cảnh giác với các thủ đoạn nêu trên.


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP