TIN MỚI NHẤT

Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2020 - 2025

Trải qua các thời kỳ lãnh đạo sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, Đảng ta luôn coi trọng yếu tố con người, xem con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đưa ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới: “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là một trong các khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021 - 2030; đồng thời, đề ra nhiệm vụ, giải pháp “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”.

Sản xuất trong Khu công nghiệp tỉnh

 

Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 03/11/2016 về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 (Nghị quyết số 11-NQ/TU). Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, nguồn nhân lực của tỉnh có sự phát triển cao hơn một bước, cơ bản đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông luôn được chú trọng nhằm đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao cung ứng cho thị trường lao động trong tỉnh; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở dạy nghề đã có những cải tiến trong hoạt động tuyển sinh với nhiều cách thức triển khai đa dạng; hệ thống trường lớp tiếp tục được sắp xếp hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường… Tuy nhiên, nhìn vào hiệu quả ở từng lĩnh vực, công việc cho thấy nguồn nhân lực của tỉnh có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong cuộc cách mạng Công nghệ 4.0, nhân lực lao động có tay nghề cao chưa nhiều, tỷ lệ thất nghiệp cao, lao động có việc làm nhưng chưa ổn định còn nhiều; nhân lực chất lượng cao còn thiếu, thiếu chuyên gia, nhà khoa học, thiếu nguồn lao động được đào tạo ở một số lĩnh vực kỹ thuật…

Trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ có nhiều điều kiện để phát triển nhiều lĩnh vực khác nhau. Để đạt được mục tiêu là tỉnh thuộc nhóm phát triển khá trong cả nước, tỉnh Bình Thuận cần chuyển mình và tiếp cận, ứng dụng kịp thời, hiệu quả về công nghệ 4.0, về nền kinh tế tri thức, chuyển đổi số…; trong đó, nguồn nhân lực có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2026. Do đó, để các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đi sâu vào lòng dân, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo, đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội cần tập trung thực hiện những nội dung sau:

(1) Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết số 11-NQ/TU với quyết tâm cao hơn, hiệu quả phải cao hơn so với giai đoạn trước; trong đó, việc tổ chức thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm và có bước đi phù hợp.

(2) Phát triển nguồn nhân lực phải bao gồm cả về trí lực, thể lực gắn với nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực; đồng thời, gắn kết với nhu cầu vị trí việc làm, nhu cầu xã hội và xem đây là một trong những giải pháp lớn, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trên các ngành, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh như công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển mạnh 03 trụ cột kinh tế của tỉnh. Trong đó: (i) Chú ý đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, tay nghề, sức khỏe thể lực, phẩm chất đạo đức, lối sống, tâm lý xã hội, gắn đào tạo với giải quyết việc làm; làm tốt công tác dự báo, định hướng, tư vấn và giải quyết việc làm. (ii) Xây dựng chính sách thu hút, sử dụng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, đội ngũ kỹ sư có trình độ khá, giỏi trở lên, cán bộ quản lý, kinh doanh giỏi, công nhân kỹ thuật lành nghề, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc về làm việc ở tỉnh.

(3) Quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp cho các cơ sở giáo dục, đào tạo. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao trên các lĩnh vực thế mạnh, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

(4) Tạo đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ; chú ý nâng cao chất lượng nhân lực là cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức hành chính nhà nước có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức trong sáng, gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám phản biện, dám chịu trách nhiệm theo Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đồng thời, kiên quyết, kịp thời thay thế cán bộ yếu kém, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không có chính kiến.

(5) Tiếp tục nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần và chỉ số phát triển con người (HDI). Thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em.

(Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thanh long)

 

 


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP