Nhân ngày Toàn dân phòng cháy, chữa cháy (04/10): Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của toàn xã hội trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Những năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện.

Phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC tiếp tục phát triển rộng khắp; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC được tăng cường, góp phần kiềm chế tình hình và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, có vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Thời gian tới, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và nhân dân trong công tác PCCC; chủ động phòng ngừa, kiềm chế tình hình cháy nổ, thiết nghĩ cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:

 Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định công tác PCCC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên gắn với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình. Hàng năm, cần chủ động đề ra chương trình, kế hoạch lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ PCCC. Từng cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định, nội quy an toàn về PCCC tại nơi làm việc cũng như nơi cư trú; làm tốt vai trò tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và cộng đồng dân cư thực hiện tốt công tác PCCC.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và nhân dân để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về PCCC và tích cực tham gia thực hiện công tác PCCC tại cơ sở. Các cơ quan thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể nhân dân, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ phải chủ động phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của tổ chức mình trong việc tuyên truyền, phổ biến về công tác PCCC. Các trường học, các cơ sở giáo dục cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn lồng ghép vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa của học sinh, sinh viên.

Xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm “04 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ), trong đó lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành giữ vai trò nòng cốt trong công tác PCCC.

Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, các ban chỉ đạo PCCC các cấp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC của chính quyền địa phương; phát huy trách nhiệm và vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong việc hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác PCCC. Quan tâm nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan chức năng về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Lực lượng chuyên trách về PCCC cần thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập xử lý các phương án, tình huống cháy, nổ có huy động nhiều lực lượng tham gia; chuẩn bị tốt về lực lượng để sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Xây dựng phương án PCCC, nhất là đối với các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu dân cư, khu công nghiệp, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại… có nguy cơ cháy, nổ cao. Từng bước thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông, nguồn nước… bảo đảm công tác PCCC theo đúng quy định của pháp luật. Có kế hoạch rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như xăng dầu, gas, hóa chất, sản xuất, chế biến gỗ, bao bì, thu mua phế liệu… nằm xen kẽ trong các khu dân cư không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC, không phù hợp quy hoạch để có giải pháp tăng cường quản lý về PCCC. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy, nổ lớn; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn khắc phục các hành vi vi phạm, các sơ hở về bảo đảm an toàn PCCC; phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng liên quan trong công tác PCCC rừng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về PCCC.

Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ chính quy,  chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.


Các tin khác