BÌNH THUẬN: Những chuyển biến tích cực qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Sau 10 năm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt. Kết quả nổi bật đầu tiên đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương và chương trình hành động, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy. Hầu hết các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Mặt trận, đoàn thể, các sở, ban, ngành và các đảng bộ trực thuộc đều tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai, thực hiện ở địa phương, đơn vị mình, thể hiện sự quyết tâm cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chế độ định kỳ cấp ủy nghe và cho ý kiến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được thực hiện nghiêm túc. Công tác kiểm tra, giám sát phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được chú trọng và tăng cường; công tác sơ, tổng kết được tiến hành thường xuyên. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh (đã tổ chức tuyên truyền 3.059 lớp với 1.454.503 lượt cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia; tổ chức 148 lớp bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống tham nhũng cho 206.413 lượt cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp định kỳ nghe và cho ý kiến công tác phòng, chống tham nhũng

Công tác xây dựng và thực hiện các quy định, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện (xây dựng và ban hành mới 1.374 văn bản, sửa đổi 222 văn bản). Cơ chế, chính sách và thực hiện công khai, dân chủ trong công tác cán bộ phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng được hoàn thiện và thực hiện tốt hơn. Công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ được chú trọng. Toàn tỉnh đã tiến hành 599 cuộc thanh tra và 447 cuộc kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Qua kiểm tra cho thấy việc triển khai thực hiện các biện pháp giữa công tác phòng và chống ngày càng đồng bộ, việc chỉ đạo phối hợp, theo dõi, tham mưu chỉ đạo giải quyết các vấn đề có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện tốt hơn. Công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng các cấp được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, trong đó chú trọng kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm theo quy định của Điều lệ Đảng; cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp đã tiến hành kiểm tra 3.350 lượt tổ chức đảng và 2.329 đảng viên; giám sát 1.100 tổ chức đảng và 1.240 đảng viên; qua kiểm tra, giám sát đã xem xét thi hành kỷ luật 02 tổ chức đảng với hình thức khiển trách và 87 đảng viên vi phạm về tham nhũng và thiếu trách nhiệm để đơn vị xảy ra tham nhũng.

Đình kỳ hàng tháng, Thường trực Tỉnh ủy nghe Ban Nội chính Tỉnh ủy và các ngành báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng.

Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức được thực hiện nghiêm túc, toàn tỉnh đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 3.023 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Việc kê khai tài sản có chuyển biến tiến bộ qua từng năm và đã đi vào nền nếp, toàn tỉnh có 65.967/65.967 lượt người kê khai (bình quân gần 6.600 lượt người/năm). Việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức trên các lĩnh vực đúng theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán được chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực như: quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, chi tiêu ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân… được tăng cường. Quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản,  mua sắm tài sản công đúng tiêu chuẩn, định mức quy định. Giám sát của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ngày càng tích cực hơn, nhất là giám sát chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, lãng phí (trong 10 năm, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận đã tổ chức 18 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề; Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức 96 cuộc giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các đơn vị, địa phương).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng.

Việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng ngày càng có hiệu quả. Tổng số vụ tham nhũng trong toàn tỉnh phải xử lý là 127 vụ/213 người, giá trị thiệt hại là 31,52 tỷ đồng, 86 chỉ vàng, 16,064 ha đất các loại và 200m2 đất thổ cư. Đến nay, đã thu hồi được 18,222 tỷ đồng (đạt 57,8%); đã xử lý xong 122 vụ/205 người (xử lý hành chính 35 vụ/74 người; xử lý hình sự 87 vụ/131 người), hiện đang xử lý 05 vụ/08 người. Công tác tự kiểm tra để phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng ngày càng tốt hơn, trong tổng số 127 vụ/213 người có dấu hiệu, hành vi tham nhũng được phát hiện trong 10 năm qua, có 19 vụ /24 người được phát hiện qua công tác tự kiểm tra nội bộ (chiếm 14,96%).  Xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng được thực hiện nghiêm túc và khá kịp thời; trong số 63 đơn vị, địa phương để xảy ra tham nhũng, đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu với 61 trường hợp bị xử lý kỷ luật (khiển trách 15, cảnh cáo 34, cách chức 12).

Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015.
Hội nghị trực tuyến quán triệt Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Hội nghị bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng năm 2016 (đối tượng 1)

          Có thể thấy, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) và Chương trình hành động số 02 của Tỉnh ủy, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực; tham nhũng trên một số lĩnh vực được kiềm chế. Những kết quả trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp uỷ, chính quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng./.


Các tin khác