ĐẨY MẠNH CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THEO HƯỚNG CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA

Chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) là một trong những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp trong tỉnh Bình Thuận đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai cùng với sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 26-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS – KHHGĐ đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhận thức về công tác DS – KHHGĐ đã có bước chuyển biến tích cực. Số người chấp nhận quy mô gia đình có từ 01 đến 02 con ngày càng nhiều; nếu như năm 2005 số con của mỗi cặp vợ chồng bình quân 2,3 con thì đến nay giảm xuống còn 02 con và đạt mức sinh thay thế. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,4% giảm xuống còn 0,92%; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên từ 21,7% giảm xuống còn 14,3%. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, cơ cấu dân số của tỉnh đang nằm trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, cứ 2,5 người trong nhóm tuổi lao động có 01 người trong nhóm tuổi phụ thuộc. Tuổi thọ trung bình từ 71 tuổi năm 2005 tăng lên 73 tuổi năm 2015. Những kết quả trên đã góp phần thực hiện chủ trương giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Khó khăn trước hết, đó là mức sinh giảm chậm và còn tiềm ẩn nguy cơ tăng dân số trở lại; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tuy có giảm nhưng chưa vững chắc; tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, nhất là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần, nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI) chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ. Khó khăn nữa là tổ chức bộ máy làm công tác DS – KHHGĐ tuy được củng cố, song chất lượng hoạt động ở một số nơi chưa cao; hiệu lực, hiệu quả về quản lý nhà nước trên lĩnh vực DS – KHHGĐ ở một số mặt vẫn còn hạn chế. Nhận thức của một bộ phận nhân dân về trách nhiệm đối với công tác DS – KHHGĐ chưa cao; một số đối tượng nhất là vùng biển, nông thôn vẫn còn tâm lý muốn sinh nhiều con, chưa xóa hẳn được quan niệm “giàu con hơn giàu của”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”… ở một số ít gia đình.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS – KHHGĐ, thiết nghĩ trong thời gian tới các cấp, các ngành, Mặt trận, các đoàn thể cần phải nhận thức đầy đủ tính khó khăn, phức tạp của công tác DS – KHHGĐ mà kiên trì đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu và tự giác thực hiện; coi công tác DS – KHHGĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, ra sức triển khai thực hiện đảm bảo đưa công tác DS – KHHGĐ từng bước ổn định, nâng dần chất lượng và đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh công tác truyền thông, chú trọng nâng cao chất lượng dân số và phát triển, quan tâm cụ thể từng nhóm đối tượng, đặc điểm từng vùng, nhất là vùng biển, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân cư có mức sinh cao để tạo đồng thuận trong nhận thức và hành động. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác dân số và phát triển. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, truyên truyền viên làm công tác DS – KHHGĐ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về DS – KHHGĐ. Triển khai đồng bộ các giải pháp thật căn cơ, quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần; tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm tử vong, tăng tuổi thọ và số năm trung bình sống khỏe mạnh của người dân; nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, phân bố dân cư. Phấn đấu giai đoạn 2016 – 2020, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ duy trì ở mức 02 con để đến năm 2020 quy mô dân số trung bình toàn tỉnh Bình Thuận không quá 1.364 ngàn người; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Dẫu biết rằng, công tác DS – KHHGĐ là công tác đầy khó khăn, phức tạp và phải được cộng đồng mọi người dân hưởng ứng tích cực trên tinh thần tự giác cao và hành động quyết liệt cùng với sự vào cuộc chủ động, đầy quyết tâm của cả hệ thống chính trị; hy vọng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và cả cộng đồng, các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra về công tác DS – KHHGĐ đến năm 2020 của tỉnh Bình Thuận sẽ thành hiện thực góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thức đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Các tin khác