TIN MỚI NHẤT

PHAN DŨNG NGÀY ẤY – BÂY GIỜ !

Phan Dũng là xã vùng cao thuộc huyện Tuy Phong, là một trong 15 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, với 205 hộ/818 khẩu, trong đó dân tộc Rắc lây 194 hộ, dân tộc Kinh 9 hộ, dân tộc Chăm 1 hộ, dân tộc Tày 1 hộ. Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào, xã Phan Dũng hôm nay có nhiều khởi sắc.

Nếu trước đây, đồng bào sống du canh, du cư, đời sống khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo trên 40%; con em trong độ tuổi đến lớp ở đây chiếm tỷ lệ thấp; điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân còn nhiều hạn chế,… thì hôm nay, nhờ thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XI) về phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình mục tiêu Quốc gia (Chương trình 135) của Chính phủ và lồng ghép các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước, tình hình các mặt sản xuất và đời sống của đồng bào có sự đổi thay rõ rệt. Trước hết, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển, đồng bào được cấp thêm đất sản xuất 109 ha/94 hộ và đã đưa vào sản xuất được 71ha/71 hộ, cùng với đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất một số cây trồng chủ lực (lúa nước, bắp lai, ...), đồng bào có thu nhập khá; thực hiện cho vay phát triển chăn nuôi bò sinh sản (từ năm 2002 đến năm 2007), toàn xã hiện có 727 con (bình quân 3,5 con bò/hộ); bên cạnh đó, việc giao khoán cho đồng bào quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên tiếp tục duy trì 5.223,4 ha/141 hộ, bình quân 30,7 ha/hộ và có thêm thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/năm, đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của đông bào. Xã duy trì chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học đúng độ tuổi và PCGD Trung học cơ sở; 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường. Xã tiếp tục duy trì chuẩn quốc gia về y tế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, 100% đồng bào được cấp thẻ BHYT, …

Theo ông Mang Nhu – Bí thư Đảng ủy xã Phan Dũng: Nhìn chung, đời sống của đồng bào hiện nay được ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm, nhiều hộ tham gia sản xuất, chăn nuôi, xây dựng gia đình khang trang và tiến bộ hơn so với 5 – 10 năm trước; hạn chế tình trạng lên rừng tìm nguồn thu hoạch, mưu sinh; thường xuyên giáo dục con em trong độ tuổi đến trường; biết chăm lo sức khỏe khi xảy ra bệnh,… từ những nhận thức đó, cuộc sống từng gia đình được nâng lên; thu nhập bình quân của mỗi người (trong độ tuổi lao động) hơn 08 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện còn hơn 12% (trong số này, phần lớn là hộ không có lao động, neo đơn,… thuộc hộ nghèo vĩnh viễn).

Tuy nhiên, theo chúng tôi, sản xuất nông nghiệp ở đây vẫn còn bấp bênh, chậm phát triển; hồ Phan Dũng có sức chứa 14 triệu m3 nước, nhưng chưa phát huy năng lực tưới vì thiếu hệ thống kênh mương nội đồng; tình trạng phá rừng trái phép diễn biến phức tạp; đời sống của đồng bào vẫn còn thấp; vấn đề vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh mới đạt 10,2%; xây dựng hệ thống chính trị tuy có cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, công tác xây dựng đôi ngũ cán bộ còn khó khăn.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy xã Phan Dũng phát triển nhanh và bền vững hơn, thiết nghĩ cấp ủy xã phải tăng cường lãnh đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, trước hết tập trung vào 3 khâu công việc mang tính đột phá, đó là: Phát triển sản xuất; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ đủ sức đảm nhận vai trò lãnh đạo xây dựng địa phương trong tương lai gần. Theo đó: Trong sản xuất, phải tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ, thực hiện cơ giới hóa, huy động sức dân làm thủy lợi nhỏ, tăng cường thâm canh, tăng vụ, ứng dụng giống mới, tăng năng suất, chất lượng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, đi đôi với lãnh đạo thực hiện có kết quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Về mặt xã hội, bên cạnh việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cần đặc biệt quan tâm đúng mức công tác giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn, hỗ trợ giảm nghèo bền vững bằng những việc làm thật cụ thể, thiết thực và phù hợp với điều kiện của xã. Khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của xã tự giác học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ, chức trách được giao. Mặt khác, phải tăng cường giáo dục, động viên con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chăm lo học tập để trở thành công dân có ích cho xã hội, góp phần bổ sung nguồn cán bộ tại chỗ, đủ sức đảm đương  nhiệm vụ trong thời gian tới./.


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP