TIN MỚI NHẤT

Bình Thuận: Huy động tối đa nguồn lực đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân.

Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã đón tiếp 128 đoàn của các nước: Nhật Bản, Pháp, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Thái Lan, U-crai-na, Thụy Sỹ, Canada, Hung-ga-ri, Úc, Bỉ, Lào… đến trao đổi, tham quan, học tập, tìm hiểu đầu tư… trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đã ký được 04 thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương bạn, gồm các nước: U-crai-na, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Bê-la-rút. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 98 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.674,8 triệu USD.

Ngay sau khi tiếp thu Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã mở Hội nghị quán triệt cho cán bộ chủ chốt, gồm: các đồng chí Tỉnh ủy viên (khóa XII); bí thư, phó bí thư các đảng đoàn, ban cán sự đảng; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh; ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc. Sau Hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 14-KH/TU, ngày 31/8/2011 để cụ thể hóa triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, UBND tỉnh phân công một đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách công tác đối ngoại; Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Mặt trận và một số sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã có quyết định phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác đối ngoại; Văn phòng Tỉnh ủy phân công một đồng chí cán bộ trực tiếp theo dõi, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác đối ngoại trong tình hình mới. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng với phương châm thực hiện nhất quán đường lối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước trong công tác đối ngoại.

Quán triệt Kế hoạch số 14-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có Hướng dẫn số 26-HD/BTGTU, ngày 06/10/2011 về tuyên truyền Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”. Thông qua các cuộc họp giao ban với các ngành trong khối tuyên giáo và các cơ quan báo chí của tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thường xuyên định hướng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại. Đồng thời, thường xuyên chuyển tải thông tin về đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước liên quan công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhân dân; những thông tin liên quan các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng, các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ như phân giới cắm mốc giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và các vấn đề quốc tế liên quan độc lập, chủ quyền đất nước của Việt Nam… vào đề cương thời sự, tập thông tin công tác tuyên giáo, làm cơ sở cho lực lượng báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở tổ chức tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và trong sinh hoạt chi bộ.

Với đặc thù chuyên môn của mình, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã phối hợp và triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ bằng nhiều hình thức phù hợp như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn có liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân, đã ban hành Quy chế về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, các tầng lớp nhân dân được biết, theo dõi, nhất là các sự kiện đặc biệt, tổ chức các hoạt động cấp quốc gia, quốc tế nhân dịp các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm; Sở Công thương tiếp tục duy trì tốt mối quan hệ với các cơ quan đại diện, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt thông tin thị trường, các hàng rào kỹ thuật trong xuất khẩu, thông tin đến các cơ quan có liên quan, các doanh nghiệp trong tỉnh; Sở Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện các hình thức thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước giúp cho nhiều đối tượng ở trong và ngoài nước hiểu rõ, hiểu đúng về chính sách, chủ trương của tỉnh; tạo tình cảm tốt đẹp đối với Bình Thuận, hiểu đầy đủ về những sản phẩm thế mạnh của kinh tế tỉnh nhà, thu hút sự quan tâm, đóng góp và đầu tư phát triển nền kinh tế của tỉnh, đặc biệt là những sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh là thủy sản, cao su, thanh long,... được khách trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu, kể cả việc hợp tác sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm; Sở Xây dựng đã phát huy có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua trang thông tin điện tử và tủ sách pháp luật; Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt việc hướng dẫn thủ tục, chính sách, giới thiệu tiềm năng và giải đáp các vấn đề có liên quan đến đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Ban Quản lý các khu công nghiệp tiếp tục vận động, tuyên truyền thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư vào các các khu công nghiệp trong tỉnh trên cơ sở nghiên cứu tham mưu cho tỉnh có cơ chế chính sách phù hợp vừa đảm bảo nhu cầu và quyền lợi của nhà đầu tư cũng như phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam. Đã vận động và kết nạp hội viên Hội thân nhân Kiều Bào tỉnh Bình Thuận, làm cầu nối để kiều bào nắm được tình hình trong nước, trong tỉnh, về đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước, tạo điều kiện để kiều bào phát huy quan hệ gắn bó tình cảm với gia đình, dòng họ quê hương đất nước góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tỉnh Bình Thuận giàu đẹp văn minh, tham gia bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của kiều bào khi ở nước ngoài và khi về nước…

Thông qua việc học tập, quán triệt Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) và Kế hoạch số 14-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; hầu hết các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh; các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và các cấp ủy cơ sở, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên đã nhận thức được những nội dung cơ bản của công tác đối ngoại nhân dân và thông tin đối ngoại của Đảng trong tình hình mới là làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ đất nước, truyền thống và con người Việt Nam, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, những thành tựu của công cuộc đổi mới; xây dựng và tăng cường tình cảm hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa nhân dân các nước và nhân dân ta. Đồng thời, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức của nhân dân ta về chính sách đối ngoại của Việt Nam, về tình hình thế giới và các vấn đề toàn cầu, vận động các nguồn lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, làm tốt công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ rộng rãi của bạn bè quốc tế, chú trọng đi vào chiều sâu với các đối tác quan trọng (các nước láng giềng, các đối tác lớn, các nước bạn bè truyền thống), tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vai trò, vị trí của công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, nắm vững những quan điểm của Đảng về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh; các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và các cấp ủy cơ sở luôn quan tâm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời đấu tranh chống lại những âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Phần lớn các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức tuyên truyền công tác đối ngoại nhân dân cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Việc tuyên truyền công tác đối ngoại nhân dân đã được gắn với công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, quan điểm tạo môi trường hoà bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định giữa Việt Nam với các nước trên thế giới để phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta.

Cùng với triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) và Kế hoạch số 14-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và các chương trình hành động của tỉnh để góp phần củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân Bình Thuận được triển khai khá tích cực. Qua đó, vận động cộng đồng người Bình Thuận ở nước ngoài hướng về quê hương, tích cực tham gia đóng góp xây dựng và bảo vệ quê hương Bình Thuận. Từng bước đưa các chương trình Hội Thân nhân kiều bào tỉnh về các chi hội ở các huyện để cùng triển khai (tổ chức công tác vận động, quyên góp ủng hộ người nghèo…). Thực hiện việc khen thưởng kiều bào có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, tỉnh nhà nói riêng. Trong quan hệ, giao tiếp với đối tác nước ngoài, các đơn vị chức năng đối ngoại, các doanh nghiệp và trong nhân dân đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu vì lợi ích kinh tế với bảo đảm an ninh chính trị quốc gia; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam, thành tựu công cuộc đổi mới đất nước, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, lịch sử đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, con người Bình Thuận, góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu đúng sự thành công của Việt Nam trên con đường đổi mới, làm cơ sở để khai thác và nắm bắt điều kiện quốc tế thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Song song đó, các cấp, các ngành trong tỉnh cũng đã chủ động đẩy mạnh hợp tác có hiệu quả với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, các cá nhân nước ngoài thông qua các Đại sứ quán, các cơ quan đại diện, hội nghị xúc tiến và các hoạt động đối ngoại khác. Nắm thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam ở các nước thông báo liên quan đến tình hình hội nhập kinh tế quốc tế để phổ biến cho các Sở, Ban, ngành, địa phương có liên quan phối hợp, thực hiện. Ngoài ra UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 1839/QĐ-UBND ngày 30/5/2014 phê duyệt Kế hoạch Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2014 - 2020 với mục tiêu thu hút tối đa các nguồn lực từ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tổ chức phi chính phủ (NGO) và trong cộng đồng để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; trong đó tập trung: phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí; đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo; đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; bảo tồn và phát triển văn hóa các tộc người và bảo vệ quyền của người dân tộc thiểu số.

Có thể nói, 3 năm qua, công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đã góp phần thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân trong tỉnh và nhân dân thế giới. Nhiều chương trình, dự án viện trợ của các cá nhân, tổ chức phi chính phủ nước ngoài và tổ chức quốc tế đã được thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, qua đó đã tranh thủ được sự giúp đỡ rộng rãi của bạn bè quốc tế, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển tỉnh nhà, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại cũng như quan hệ đối ngoại với các tổ chức nước ngoài trên địa bàn tỉnh được thực hiện khá tốt. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong việc triển khai thực hiện các dự án; công tác an ninh trật tự luôn được đảm bảo khi có khách nước ngoài đến thăm và làm việc tại các dự án.

Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận công tác tuyên truyền phổ biến Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) và Kế hoạch số 14-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới” vẫn còn một số cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhân dân và một số cán bộ, đảng viên nhận thức về công tác đối ngoại nhân dân chưa sâu sắc; sự phối hợp công tác đối ngoại nhân dân giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và tổ chức đoàn thể các cấp với các cơ quan tuyên truyền, báo chí trong tỉnh chưa chặt chẽ, nhất là việc thông tin kết quả đạt được trong công tác đối ngoại nhân dân giữa cơ quan chức năng của tỉnh với các cơ quan tuyên truyền, báo chí; việc triển khai công tác tuyên truyền đối ngoại nhân dân của các cơ quan tuyên truyền còn lúng túng, thụ động, thiếu linh hoạt... Công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại nhân dân và vận động viện trợ còn yếu, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế và thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoạt động đối ngoại nhân dân của một số cơ quan, tổ chức và đoàn thể nhân dân còn thụ động, chưa xây dựng kế hoạch cụ thể, hiệu quả chưa cao.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) về “tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới” ở Bình Thuận, có thể rút được một số kinh nghiệm: Các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phải có nhận thức sâu sắc và đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân; từ đó, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo các điều kiện cần thiết cho hoạt động đối ngoại nhân dân. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp trong công tác đối ngoại nhân dân giữa các cơ quan, đơn vị tại địa phương cũng như với Trung ương, nhất là việc thông tin tuyên truyền, hướng dẫn tới các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; phải thật sự chủ động, phân công chặt chẽ trong việc phối hợp giữa các đoàn thể nhân dân và giữa các đoàn thể nhân dân với cơ quan chuyên môn của tỉnh trong công tác đối ngoại nhân dân. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững nghiệp vụ đối ngoại, giỏi ngoại ngữ, am hiểu pháp luật, thông lệ quốc tế và hiểu sâu về các đối tác nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại, trong đó có đối ngoại nhân dân; quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất; xây dựng cơ chế phù hợp bảo đảm cho các hoạt động đối ngoại nhân dân. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan thông tin đại chúng phải phát huy tính sáng tạo trong việc chuẩn bị nội dung thông tin tuyên truyền đối ngoại, nhất là về lĩnh vực, ngành mình quản lý. Chủ động trong việc phát huy vai trò cũng như sự giúp đỡ của của các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán và tham tán thương mại Việt Nam tại các nước khi đoàn của tỉnh đi công tác nước ngoài./-


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP