TIN MỚI NHẤT

CPI TĂNG THẤP – VỪA MỪNG, VỪA LO

CPI TĂNG THẤP – VỪA MỪNG, VỪA LO

Tính đến nay, năm 2O14 đã đi được ¾ chặng đường. Nhìn lại, chặng đường đã đi qua tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nền kinh tế vẫn chưa phục hồi sau khủng hoàng, nhiều doanh nghiệp hoạt động khó khăn, sức cầu đầu tư, tiêu dùng thấp… Nhưng, tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều biện pháp căn cơ, quyết liệt nên tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2014 tiếp tục tăng trưởng khá, lạm phát được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp. CPI tăng thấp vừa mừng, vừa lo…

Mừng vì…

CPI trên địa bàn toàn tỉnh, tháng 9/2014 chỉ tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 2,72% so với cuối năm 2013, đây là mức tăng thấp nhất của 10 năm qua. Dự báo 3 tháng còn lại của năm 2014, CPI có thể tăng cao hơn mức bình quân chung 9 tháng đầu năm, nhưng khả năng cuối năm 2014 CPI cũng chỉ tăng trên dưới 5%, dừng ở mức một con số. Qua đây chúng ta có thể yên tâm với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đáng lưu ý là 9 tháng qua, hàng lương thực, thực phẩm tăng thấp, giá lương thực 9 tháng đầu năm chỉ tăng 2,13%, thực phẩm chỉ tăng 2,36%; vật liệu xây dựng giảm 0,02%, bưu chính viễn thông giảm 0,14%... Đáng mừng là CPI tăng thấp sẽ là thời cơ tốt để các chủ thể trên thị trường lựa chọn và quyết định đầu tư; đặc biệt là người tiêu dùng dễ dàng hơn khi mua sắm hàng hóa, quyết định lựa chọn các dịch vụ đáp ứng yêu cầu của mình. Ngân hàng hạ lãi suất, kể cả huy động và cho vay tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn phục vụ sản xuất và kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực và bền vững.

Nhưng vẫn lo…

CPI tăng thấp sẽ ảnh hưởng nhất định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, “độ ấm” của phát triển kinh tế sẽ chựng lại. Nếu điều hành quan hệ kinh tế vĩ mô không tốt dễ dẫn tới “giảm phát” tương đối “giật lùi” tăng tưởng. Đặc biệt, như trên đã nói giá hàng lương thực, thực phẩm tăng thấp tác động đến giá mua nông sản của nông – ngư dân không cao, nhiều mặt hàng nông sản 9 tháng qua “rớt” giá ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nông dân, đây là địa bàn có đến 70% dân số. Khía cạnh khác, tuy các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng mặc dù đã hạ lãi suất cho vay nhưng các doanh nghiệp tiếp cận vốn vẫn còn khó khăn, vì điều kiện cho vay cũng không dễ dàng, vì nhiều doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh cũng chưa thực sự hiệu quả; vì thế khi cho vay các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng thẩm định kỹ càng, hạn chế rủi ro. Do đó, 9 tháng qua vốn huy động tăng 12,2% trong khi dư nợ chỉ tăng 10,3% so với đầu năm 2014.

Thiết nghĩ, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát là cần thiết nhưng cũng cần có giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng hợp lý, ổn định; đặc biệt là thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, kích cầu tiêu dùng và đầu tư, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Có như vậy chúng ta mới đạt được mục tiêu của Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về điều hành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2014.


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP