TIN MỚI NHẤT

CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC KHÔNG NGỪNG NÂNG LÊN SAU 10 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 10-CT/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA XI)

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn” đạt nhiều kết quả tích cực.

Sau khi Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) ban hành Kế hoạch số 94-KH/TU về thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW gắn với tăng cường tổ chức dạy tin học, ngoại ngữ trong các trường học trên địa bàn tỉnh. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã có nhiều nỗ lực tổ chức quán triệt, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, qua đó đã góp nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ (XMC) và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS). Năm 2015, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu, đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi; trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày, trẻ 5 tuổi được học bán trú đạt tỷ lệ cao; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi hàng năm giảm. Công tác PCGD tiếp tục được củng cố vững chắc và phát triển; chất lượng, tính bền vững của PCGD (tiểu học; THCS) có sự chuyển biến tích cực; đến nay, 100% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3, 50 % đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2. Tỉnh thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhất là, việc huy động học sinh vào học trường THCS và Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Bình Thuận luôn được quan tâm các cấp; các ngành đã có nhiều giải pháp giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo mọi cơ hội cho học sinh đến trường, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều phương pháp, hình thức học tập thích hợp phát huy tính tích cực của học sinh, từ đó, tỷ lệ lưu ban, bỏ học giảm xuống mức thấp nhất (đối với cấp tiểu học giảm còn 0,02%, cấp THCS giảm còn 1,1%). Việc tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh vùng dân tộc thiểu số được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện; ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo đạt chuẩn năng lực tiếng Việt; 100% trẻ đồng bào dân tộc thiểu số được dạy học tiếng Việt; các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện công tác XMC; đồng thời, phát huy vai trò của trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức nhiều phong trào, hoạt động thiết thực góp phần xây dựng xã hội học tập, giúp nhân dân hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đến nay, tỉnh đã duy trì chuẩn XMC mức độ 1; trong đó, 70% huyện, thị xã, thành phố duy trì chuẩn XMC mức độ 2. Công tác phân luồng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề đúng hướng, thực chất với nhiều hình thức, phương pháp linh hoạt phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động. Từ đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp và toàn xã hội đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung và công tác PCGD, phân luồng học sinh, XMC nói riêng nâng lên rõ rệt. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên; tỷ lệ huy động học sinh đến trường các cấp thực hiện tốt; công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém được quan tâm; hệ thống trường, lớp được đầu tư và phát triển…Từ đó tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCGD, xóa mù chữ XMC và phân luồng học sinh sau THCS vẫn còn một số khó khăn, hạn chế đó là: Cơ chế chính sách về hỗ trợ, đầu tư cho miền núi, vùng cao còn chậm và hạn chế, chất lượng PCGD giữa các vùng miền, tỷ lệ trường chưa đạt chuẩn mức độ 3 còn cao. Công tác PCGD mầm non trẻ 5 tuổi chưa bền vững do các quy định mới về cơ sở vật chất và trình độ chuẩn giáo viên mầm non. Kết quả thực hiện PCGD THCS tuy được nâng lên nhưng chưa vững chắc; cơ sở vật chất, thiết bị một số trường cấp tiểu học và THCS chưa đảm bảo theo quy định. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS tại một số địa phương chưa chú trọng đúng mức, còn hình thức; thiếu sự phối hợp với các trường nghề, các doanh nghiệp trong giáo dục hướng nghiệp. Nhận thức của một bộ phận nhân dân về hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chưa đầy đủ; công tác giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo nghề còn hạn chế.

Thiết nghĩ, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các bậc phụ huynh và toàn xã hội về vị trí, tầm quan trọng của công tác PCGD các cấp bậc học, XMC cho người lớn và công tác phân luồng học sinh sau THCS.

- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội về PCGD, XMC, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS; có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

- Rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu PCGD, XMC.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông; tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày và học sinh bán trú tại các cơ sở giáo dục; tăng cường các biện pháp phòng, chống suy dinh dưỡng, chống béo phì cho trẻ trong các cơ sở giáo dục.

- Duy trì sĩ số học sinh, giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học, nhất là ở các trường THCS, nâng dần hiệu quả đào tạo. Có kế hoạch phụ đạo cho những học sinh yếu kém giảm nguy cơ bỏ học.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ chương trình giáo dục của các cấp học. Tổ chức kiểm tra nắm tình hình việc thực hiện phổ cập; việc sử dụng và bảo quản, trang bị đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu.

- Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra công nhận các đơn vị duy trì đạt chuẩn PCGD, XMC đảm bảo trung thực, khách quan, chống bệnh thành tích trong kiểm tra công nhận PCGD, XMC.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho giáo viên, nhất là các giáo viên mới tuyển dụng.

Đảng và Nhà nước luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong ba đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục – đào tạo của tỉnh, trong đó có công tác PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả PCGD tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn cần sự chung tay, nỗ lực của cả hệ thống chính trị của tỉnh nhà, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP