TIN MỚI NHẤT

Hai năm (2014 – 2015) thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Sau hai năm thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, các cấp, các ngành tỉnh Bình Thuận đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện đạt được một số kết quả bước đầu.

Kết quả đầu tiên đó là nhận thức của các cấp, các ngành về mục tiêu, ý nghĩa và nội dung của tái cơ cấu ngành nông nghiệp được hiểu đầy đủ hơn, đúng hơn và nâng lên rõ rệt. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và ban hành các kế hoạch hành động triển khai thực hiện cụ thể trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến nông – lâm, thủy sản; 09 đề án quy hoạch và 03 chương trình trọng điểm phát triển các ngành, các sản phẩm chủ yếu lợi thế của tỉnh; nhiều địa phương đã kịp thời xây dựng các đề án, chương trình để triển khai thực hiện, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế, gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước thực hiện chuỗi giá trị hiệu quả.

Kết quả tiếp theo là trên từng lĩnh vực như trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp,... đạt được những kết quả thiết thực; các mô hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và liên kết sản xuất ngày càng nhiều. Tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt, được tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh chuyển đổi được 5.805 ha diện tích lúa sang trồng  4.620 ha bắp, 44 ha lạc, 15 ha mè, 650 ha rau, đậu các loại … có hiệu quả kinh tế hơn. Diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục được mở rộng, hiện đã có trên 9.000 ha với 427 tổ chức, cá nhân và trên 9.500 hộ dân tham gia. Các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến với nông dân xuất hiện ngày càng phát triển, nhất là trong lĩnh vực sản xuất lúa giống và thu mua sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao. Các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng nhiều, mang lại hiệu quả thiết thực, điển hình như việc áp dụng các mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với mùa vụ; mô hình thâm canh đối với các loại cây ăn quả, bưởi da xanh, nhãn tiêu da bò, tiêu ghép; mô hình canh tác lúa – bắp, lúa – đậu các loại mang lại hiệu quả cao hơn. Trong chăn nuôi, đã chuyển mạnh sang các hình thức chăn nuôi công nghiệp, trang trại, gia trại... gắn với ứng dụng công nghệ mới, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Nhiều dự án chăn nuôi có quy mô lớn đã và đang được triển khai thực hiện, điển hình như Dự án trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao của Công ty TNHH Cửu Long; Dự án trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao gắn với đầu tư nhà máy chế biến sữa của Công ty TNHH Thông Thuận tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình và Dự án Nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình VAC, khép kín (chăn nuôi, chế biến thịt gà; kết hợp sản xuất thức ăn cho chăn nuôi và nuôi cá) của Công ty TNHH Thương mại Trang trại Việt Tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong.... Các mô hình chăn nuôi gà thịt, vịt siêu trứng,... được nhân rộng. Trong thủy sản, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, nuôi trồng, gắn với chế biến để gia tăng giá trị. Đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tuyến bờ và tuyến lộng. Theo đó, khai thác thủy sản xa bờ tiếp tục có chuyển biến tích cực, số tàu cá công suất từ 90 CV trở lên ngày càng nhiều, cuối năm 2015 có 2.604 chiếc, tăng 429 chiếc so năm 2013. Các hình thức liên kết, hợp tác trong khai thác thủy sản ngày càng phát triển, toàn tỉnh hiện có trên 234 tổ đoàn kết với 2.077 tàu và 17.450 lao động. Sản xuất tôm giống tiếp tục ổn định và khẳng định lợi thế của tỉnh; sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thụ trong 02 năm qua đạt gần 50 tỷ post, gấp 2,5 lần so kế hoạch đề ra. Các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng GAP; mô hình nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp tăng nhanh. Trong lâm nghiệp, trọng tâm là phát triển nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng gắn với tăng cường quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, công tác trồng rừng sản xuất đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhất là về khâu giống, quy trình kỹ thuật và thực hiện việc chuyển hoá rừng trồng sang mục đích kinh doanh gỗ lớn. Công tác sắp xếp, đối mới các công ty lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30/NQ-BCT của Bộ chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ được triển khai tích cực...

Nhưng phải nhìn nhận rằng, những kết quả trên đây chỉ là bước đầu; nhìn lại việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trước hết đó là nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đầy đủ, kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án chưa được nhiều. Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do thiên tai, nắng hạn, dịch bệnh gây ra nhưng khả năng chủ động phòng, chống còn nhiều hạn chế. Năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp còn thấp; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, đổi mới sản phẩm nông nghiệp nhìn chung vẫn còn lúng túng, lẩn quẩn trong lối ra, bấp bênh trong giá cả; điệp khúc được mùa, mất giá; được giá, mất mùa chậm khắc phục. Tiếp đến là công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn chưa được nhiều; việc liên kết chuỗi, liên kết 04 nhà từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ còn rời rạc, nhất là trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long.

Hướng ra phía trước, thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang là thách thức cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Yêu cầu khắc phục khó khăn, tạo bứt phá mạnh mẽ hơn là yêu cầu sống còn của ngành nông nghiệp Bình Thuận. Mới đây, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Huỳnh Thanh Cảnh đã chỉ đạo, trong thời gian tới cần quan tâm làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về mục tiêu, ý nghĩa và nội dung của tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng phải xuất phát từ điều kiện cụ thể từng địa phương và phải xuất phát từ yêu cầu thị trường; phải chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang giá trị, hiệu quả, thu nhập của người dân. Nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ cốt lõi của việc xây dựng nông thôn mới; là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và mọi người dân. Theo tinh thần đó, từng ngành, địa phương rà soát lại tất cả các nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện; phải tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, lợi thế gắn với thị trường; chú ý đúng mức ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất, nâng giá trị gia tăng, tập trung vào các khâu giống, biện pháp canh tác, bảo quản sau thu hoạch; tập trung đẩy mạnh công nghiệp chế biến; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện tốt liên kết, hợp tác hỗ trợ nhau trong sản xuất; đẩy mạnh huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; thực hiện rà soát các cơ chế chính sách, để chiều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, sát thực tế; tiếp tục kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Phát huy tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chủ động hội nhập TPP, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân./.


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP