TIN MỚI NHẤT

Tập trung khắc phục và giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh

Đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh cho biết, qua số liệu thu thập khảo sát, trên địa bàn Bình Thuận hiện có hơn 6.000 nạn nhân bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Đức Linh, Tánh Linh…

Cách đây đúng 54 năm, ngày 10/8/1961 - ngày đầu tiên quân đội Mỹ rải thuốc diệt cỏ xuống Tây Nguyên, mở màn cho cuộc chiến tranh sử dụng chất độc hóa học tại chiến trường miền Nam nhằm ngăn chặn bước chân của quân giải phóng hoạt động trong dãy Trường Sơn. Đây được xem là cuộc chiến tranh hoá học có quy mô lớn nhất, dai dẳng nhất, gây ra hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Trong 10 năm (từ năm 1961 – 1971), quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ xuống khoảng 1/4 diện tích toàn miền Nam, trong đó phần lớn là chất độc da cam/diôxin. Chiến tranh đã qua đi nhưng hậu quả của chất độc hoá học để lại vẫn hết sức nặng nề, ngoài việc tàn phá hàng triệu ha rừng và đất nông nghiệp, chất độc da cam/dioxin còn huỷ hoại ghê gớm sức khỏe con người khi bị nhiễm dù chỉ với hàm lượng vô cùng nhỏ, chúng có thể gây ra hàng loạt căn bệnh hiểm nghèo về ung thư và các bệnh nan y khác. Hàng triệu người dân Việt Nam đã bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc hóa học, họ không chỉ là những người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên các chiến trường và những người dân đã từng sinh sống trong vùng mà quân đội Mỹ rải xuống, đặc biệt hơn, họ còn là thế hệ con, cháu chịu di chứng từ cha mẹ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin truyền sang gây dị tật, dị dạng, khuyết tật bẩm sinh.

Nạn nhân chất độc màu da cam (nguồn Internet) 

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của chất độc hóa học do quân đội Mỹ gây ra. Ban Bí Thư Trung ương Đảng đã thống nhất lấy ngày 10/8 hàng năm (ngày đầu tiên quân đội Mỹ rải chất độc da cam/dioxin xuống Việt Nam) là “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Gần đây nhất, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14/5/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Ngày 10/01/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chính thức được thành lập nhằm vận động các tầng lớp nhân dân giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nạn nhân chất độc da cam, nhất là đại diện cho các nạn nhân trong đấu tranh buộc chính quyền Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do họ gây ra tại Việt Nam.

Được biết, hiện nay tỉnh Bình Thuận đang tập trung chỉ đạo thực hiện công tác hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân với mục tiêu: 100% người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định; trên 70% người bị nhiễm được tiếp cận với các dịch vụ xã hội; các hộ gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp đời sống và bảo hiểm y tế (trong đó có 100% hộ gia đình có 02 người tàn tật nặng trở lên do hậu quả chất độc hóa học được trợ cấp đời sống và bảo hiểm y tế); quản lý thai nghén 100% nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học. Để đạt mục tiêu trên, thiết nghĩ các ngành chức năng cần làm tốt công tác điều tra, khảo sát, thống kê các nạn nhân bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh để có chính sách giúp đỡ kịp thời. Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã được nhà nước ban hành; trong đó phải coi trọng việc thực hiện chính sách đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn thảm họa chất độc hóa học do Mỹ gây ra để từ đó tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/doxin và tham gia các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân.

Công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh và việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân nhiễm chất độc hóa học là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài không chỉ trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp mà còn cần có sự tham gia đóng góp của cả xã hội, nhất là những tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm nhằm hỗ trợ nạn nhân vượt qua nỗi đau cả về thể xác và tinh thần.


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP