TIN MỚI NHẤT

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận: Phát huy truyền thống “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”

Sáng ngày 22/8/2015, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh (25/8/1945 - 25/8/2015) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì do Chủ tịch Nước trao tặng cho LLVT tỉnh.

Thiếu tướng Văn Công Danh - Phó Tư lệnh Quân khu 7 gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì của Chủ tịch Nước lên Lá cờ quyết thắng của Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận

Tự hào truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, các cơ sở cách mạng ở tỉnh Bình Thuận có điều kiện hoạt động và phát triển. Tháng 5/1945, nhóm tù chính trị gồm 5 đồng chí: Nguyễn Sắc Kim, Nguyễn Nhơn, Nguyễn Tương, Nguyễn Chúc và Thái Hựu từ Nhà lao Buôn Ma Thuột trở về làng Tùy Hòa (nay thuộc xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc) nắm tình hình, móc nối với các cơ sở cũ, phát triển thêm cơ sở mới và quyết định thành lập Ban Vận động Việt Minh lâm thời của tỉnh do đồng chí Nguyễn Sắc Kim phụ trách chung, tìm cách tiếp nhận sự chỉ đạo của trên, khẩn trương tổ chức lực lượng tự vệ vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền. Tình hình cách mạng chuyển biến thuận lợi, Ban Vận động Việt Minh tỉnh phát động quần chúng chuẩn bị băng rôn, cờ, khẩu hiệu, truyền đơn, tổ chức biểu tình thị uy, nổi dậy giành chính quyền.

Sáng ngày 24/8/1945, Đoàn đại biểu Việt Minh gồm các đồng chí Nguyễn Tương, Nguyễn Nhơn, Nguyễn Chúc và 2 đồng chí bảo vệ đến gặp Tỉnh trưởng Huỳnh Dư tại nhà số 8 đại lộ Sài Gòn (nay là đường Trần Hưng Đạo, thành phố Phan Thiết) để nhận bàn giao và tiếp quản các công sở. Sau đó, đến trại lính bảo an, anh Đoàn Tử Bảy (là cơ sở cách mạng trong hàng ngũ của địch) đã bố trí sẵn đội ngũ chào đón; cờ quẻ ly hạ xuống để thay lá cờ đỏ sao vàng.

Tin chuẩn bị cho cuộc biểu tình tuần hành vào ngày 25/8/1945 truyền đi khắp nơi, không khí chuẩn bị rất khẩn trương, mọi người đều hào hứng chuẩn bị tham gia đội ngũ, may thêm cờ, viết thêm biểu ngữ, khẩu hiệu.

Vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 25/8/1945, khoảng 5.000 quần chúng từ các ngã họp điểm tại các nhà ga cùng diễu hành qua trước Dinh tỉnh trưởng (Tòa xứ) rồi tiến về sân vận động, trong màu cờ rực rỡ và tràn ngập niềm hân hoan phấn khởi, giữa hàng nghìn người, nổi bật lên một đội ngũ chỉnh tề, mặc đồng phục, đầu đội mũ ca-lô màu cỏ úa, giữa có ngôi sao 5 cánh, súng chắc trong tay, mặt mày rạng rỡ. Đó chính là giải phóng quân, Quân đội của nhân dân, LLVT của cách mạng. Và ngày 25/8/1945 đã trở thành ngày truyền thống của LLVT tỉnh Bình Thuận.

Từ sau ngày thành lập chính quyền cách mạng, LLVT tỉnh sát cánh cùng nhân dân truy bắt những tên Việt gian đầu sỏ, trừng trị bọn ác ôn có nợ máu với nhân dân, kiên quyết bài trừ các tệ nạn xã hội, tham gia phong trào “diệt giặc đói, giặc dốt”; tích cực luyện tập, phát triển lực lượng làm công cụ sắc bén của Đảng để bảo vệ thành quả cách mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, LLVT tỉnh vừa chiến đấu, vừa xây dựng và trưởng thành nhanh chóng. Lực lượng tập trung của tỉnh được xây dựng đến cấp trung đoàn; bộ đội địa phương huyện và dân quân du kích xã phát triển khắp nơi. Đến năm 1952, lực lượng đặc công hình thành, với lối đánh bí mật, táo bạo đã làm cho kẻ địch “bạc vía, kinh hồn”. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hầu hết các cứ điểm, đồn bốt của địch trên địa bàn tỉnh đều bị LLVT ta tiến công, tiêu diệt, mà chiến thắng Lầu Ông Hoàng, chiến thắng Duồng, Camp E-sé-píc, Mương Mán, ngã Hai, Sông Quao, Suối Kiết, Thạch Long, Mũi Né, Tánh Linh, La Dầy, Gia Bát... là những minh chứng hùng hồn về tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm và sự linh hoạt, sáng tạo trong vận dụng phương thức tác chiến tiêu diệt địch của LLVT tỉnh, càng đánh càng thắng lớn, càng đánh càng trưởng thành, sẽ mãi in đậm trong ký ức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh.

LLVT tỉnh luôn quán triệt quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, ra sức xây dựng và phát triển, dìu dắt, giúp đỡ bộ đội địa phương huyện và dân quân du kích xã cùng chiến đấu, cùng trưởng thành. Xây dựng phong trào chiến tranh du kích rộng khắp, giữ vững vùng giải phóng Hàm Tân, căn cứ du kích Lê Hồng Phong, khu du kích Hàm Thuận, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở nước ta.

Trong khi LLVT và nhân dân tỉnh đang ổn định tổ chức, sắp xếp lực lượng, chấp hành nghiêm Hiệp định Giơ-ne-vơ thì đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện âm mưu “Nhanh chóng hất cẳng Pháp, độc chiếm quyền thống trị ở miền Nam Việt Nam và Đông Dương, đàn áp phong trào cách mạng, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, chia cắt lâu dài, biến miền Nam Việt Nam thành pháo đài của Mỹ ở Đông Nam Á”. Theo đó, Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thành lập quân đội quốc gia do Mỹ huấn luyện và trang bị. Đối với địa bàn tỉnh Bình Thuận, Diệm đã tạo ra một đội ngũ tay sai và bộ máy thống trị ở địa phương, đưa quân đánh chiếm một số vùng của ta. Chiếm đến đâu, chúng tổ chức gián điệp và dựng lên bộ máy tề điệp đến đó; đồng thời, xuyên tạc, nói xấu chủ trương của cách mạng, o ép quần chúng gia nhập phong trào cách mạng quốc gia, đề ra chính sách “tố cộng” với khẩu hiệu “tát nước, bắt cá”, “giết nhầm hơn bỏ sót”. Chúng đã đề ra Luật 10/59, đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, tiến hành càn quét, đánh phá ác liệt cả vùng nông thôn và miền núi. Lê máy chém đi khắp nơi, mở các phiên tòa xét xử lưu động và chém ngay những người mà chúng kết tội làm Việt Minh Cộng sản. Đồng thời, thực hiện chính sách “trưng bình quân dịch”, bắt thanh niên vào lính; xây dựng thêm nhà tù, buộc nhân dân và cơ sở cách mạng hoặc là chịu chết, tù đày dã man hoặc là phản bội cách mạng.

Trước tình thế đó, tháng 7/1959, Nghị quyết Trung ương 15 ra đời đã tạo sinh khí mới cho cách mạng miền Nam. Sau thời gian chuẩn bị, ngày 02/9/1959, tại vùng căn cứ A Ra, Di Linh, Trung đội vũ trang đầu tiên của tỉnh Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ được thành lập, lấy tên là đơn vị 2-9. Sau đó, ở hầu khắp  các huyện trong tỉnh, LLVT, tổ, đội công tác được xây dựng, trực tiếp hỗ trợ đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân.

Những tháng cuối năm 1960, nhất là sau chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng vào tháng 7/1960 - chiến công rực rỡ đầu tiên của quân và dân tỉnh Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, tiếng súng diệt ác liên tiếp nổ ra khắp nơi, làm cho bọn tề Ngụy hoang mang, dao động, nhiều nơi rệu rã, quần chúng khắp nơi đứng lên giành quyền, nhiều xã được hoàn toàn giải phóng.

Từ thực tiễn tình hình ngày càng phát triển thuận lợi, trước yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng LLVT tỉnh ngày càng lớn mạnh, vào tháng 02/1961, Ban cung cấp bảo đảm hậu cần cho LLVT và cơ quan dân đảng được thành lập. Tiếp đó, vào tháng 3/1961, Ban Quân sự tỉnh được thành lập. Tỉnh ủy cũng ra quyết định thành lập Đảng ủy Quân sự trực tiếp làm công tác Đảng, công tác chính trị trong LLVT tỉnh. Ban Quân sự tỉnh đã thành lập các bộ phận tham mưu, chính trị, hậu cần để phục vụ kháng chiến. Một số huyện bắt đầu hình thành các đơn vị bộ đội địa phương huyện. LLVT tỉnh từ Trung đội 2-9 đã phát triển thành đại đội mang phiên hiệu mới - Đại đội 529. Cùng với việc xây dựng, phát triển bộ đội tập trung tỉnh và huyện, lực lượng dân quân du kích xã cũng có bước phát triển nhanh chóng.

Tháng 7/1961, cơ quan quân sự tỉnh mang phiên hiệu mới là 400. LLVT các huyện tiếp tục được củng cố, bổ sung và mang các phiên hiệu: Di Linh 410, Tánh Linh 420, Hàm Thuận 430, Hòa Đa 440, Thuận Phong 450, Thuận Tân 460, Hàm Tân 470, Phan Thiết 480, Tuy Phong 490. Các đại đội thuộc tỉnh cũng mang phiên hiệu mới: Đại đội 529 đổi thành 486 và mang tên truyền thống là Đại đội Hoàng Sơn. LLVT tỉnh cũng đã thành lập thêm một số đơn vị mới như: Đơn vị đặc công 481, Trung đội pháo binh 487, Trung đội công binh 416, Trung đội căn cứ 417, Trường tiểu đội Bạch Đằng (nay là Trường Quân sự tỉnh)... Tháng 12/1961, LLVT tỉnh thành lập thêm Đại đội bộ binh 489, sau đó là Đại đội 488.

Từ năm 1960 - 1965, LLVT tỉnh không ngừng được củng cố, xây dựng và phát triển, đã tổ chức nhiều trận đánh tiêu diệt sinh lực địch, phá ấp, mở vùng giải phóng, góp phần làm thất bại quốc sách ấp chiến lược của địch, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”; đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ào ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào Việt Nam. Tháng 8/1965, quân Mỹ nhảy vào lập căn cứ trên một số tỉnh trong đó có tỉnh Ninh Thuận. Tỉnh Bình Thuận tuy chưa có mặt quân Mỹ, nhưng dựa vào tình thế chung, bọn Ngụy quân, Ngụy quyền địa phương gượng dậy xua quân càn quét, lấn chiếm các vùng ven thị xã, thị trấn, các trục lộ giao thông; chúng dùng không quân bắn phá, rải chất độc hóa học vào các vùng căn cứ khu Lê Hồng Phong, Hoài Đức, miền tây Hàm Thuận, Hàm Tân... Cùng với đó, chúng đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, tuyên truyền sức mạnh của Hoa Kỳ để lung lạc tinh thần và ý chí cách mạng của quân và dân ta.

Quyết tâm giữ quyền chủ động, Ban Chỉ huy Tỉnh đội đã khẩn trương phát triển lực lượng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững vùng căn cứ giải phóng. Ngày 20/10/1965, Ban Chỉ huy Tỉnh đội công bố quyết định thành lập Tiểu đoàn 482 - Tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ. Đồng thời, chỉ đạo củng cố các đơn vị: Đại đội đặc công 481, các đại đội bộ đội địa phương huyện, thị xã và các đội vũ trang công tác; phát triển mạnh lực lượng dân quân du kích địa phương; củng cố xây dựng các thôn, xã đội; tăng cường công tác bố phòng, bảo vệ căn cứ, chống địch càn quét bắn phá, đồng thời tổ chức tập kích vào các đồn, bốt địch. Với chiến thắng đường 8 (nay là Quốc lộ 28) và các vùng ven thị xã đã làm cho bọn tề điệp ác ôn hết sức hoang mang. Tiểu khu Bình Thuận vốn có tiếng là tiểu khu cứng rắn của địch nhưng cũng phải liên tục kêu cứu. Bộ Chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn lập tức điều tiểu đoàn kỵ binh bay và lữ đoàn dù thuộc Sư đoàn 101 của Mỹ để cứu nguy cho Bình Thuận. Chúng sử dụng không quân, pháo binh trút bom đạn, rốc két như mưa xuống các vùng giáp ranh, vùng căn cứ. Quân Mỹ tiến hành càn quét đánh phá vòng ngoài hỗ trợ cho quân Ngụy và bọn bên trong đẩy mạnh gom dân lập ấp, đôn quân bắt lính, tăng cường do thám, gián điệp, chiêu an, chiêu hồi, tuyên truyền sức mạnh và lối sống Mỹ, để củng cố lòng tin cho bọn Ngụy quân, Ngụy quyền.

Với quyết tâm phải đánh cho được quân Mỹ để hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng chống địch càn quét vào xóm làng, LLVT tỉnh đã nổ súng tấn công vào chi đoàn xe bọc thép Mỹ đang đóng quân dã ngoại ở Tân Điền. Sau 10 phút chiến đấu, các chiến sĩ ta đã nổ súng bắn cháy, phá hỏng 14 xe, tiêu diệt gần 100 tên Mỹ. Đây là trận tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ đầu tiên trên chiến trường Tam Giác. Với ý chí, tinh thần tự lực, tự cường trong chiến đấu; năm 1965, Bộ Chỉ huy các LLVT miền Nam Việt Nam đã tặng cờ “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang” cho LLVT tỉnh. Và đó cũng chính là truyền thống của LLVT tỉnh Bình Thuận.

Những tháng đầu năm 1967, LLVT tỉnh, huyện và dân quân du kích các xã đều được củng cố về số lượng và chất lượng; chú ý xây dựng các đơn vị binh chủng đặc công, trinh sát, công binh... Cùng với những trận thắng Mỹ, Ngụy đã cổ vũ LLVT tỉnh tiến lên đánh những trận tiêu diệt địch lớn hơn.

 Vào những ngày trước Tết Mậu Thân năm 1968, hệ thống phòng thủ của địch ở Phan Thiết và các vùng phụ cận tuy có lơi lỏng, chệch choạc do ảnh hưởng sắp ngừng bắn trong dịp Tết, nhưng địch vẫn có một lực lượng đáng kể hơn hẳn ta về binh hỏa lực và sức cơ động. Nhận được chỉ thị của trên, Tết Mậu Thân năm 1968, LLVT tỉnh đã tổ chức 2 đợt tấn công vào thị xã Phan Thiết. Cuộc chiến đấu trong thị xã diễn ra hết sức quyết liệt. Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm, diệt hàng trăm tên Mỹ, Ngụy, bắn cháy nhiều xe tăng, xe bọc thép..., góp phần cùng cả nước làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ; buộc chúng phải chấp nhận ngừng ném bom phá hoại miền Bắc và đàm phán với ta tại Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, tổng thống Mỹ Ních-xơn đã đề ra chủ trương “Việt Nam hóa chiến tranh”. Ở Bình Thuận, bọn địch ra sức củng cố lực lượng, tăng cường phòng thủ bên trong, từng bước lấn ra vùng ven, hòng giành lại địa bàn. Hàng ngày, không quân, pháo binh địch bắn phá bừa bãi vào xóm làng với ý định khủng bố trả thù, khống chế và uy hiếp tinh thần cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta nhằm thực hiện 3 mục tiêu chiến lược: hủy diệt, giành dân và bóp nghẹt. Phối hợp với các cuộc hành quân đánh phá rộng ra bên ngoài, bọn bảo an, dân vệ liên tục hành quân càn quét vùng bàn đạp, vùng giáp ranh để ngăn chặn ta, hỗ trợ cho bọn bình định bên trong truy tróc cơ sở cách mạng, đẩy mạnh đôn quân bắt lính. Bước vào năm 1972, trên các chiến trường Bình Thuận, Bình Tuy, địch đã chuyển hẳn từ bình định đặc biệt sang bình định củng cố, tiếp tục quân sự hóa, cảnh sát hóa bộ máy ở cơ sở. Loại bỏ bọn tề dân sự đưa bọn sĩ quan quân đội, cảnh sát xuống nắm giữ các vị trí chủ chốt trong chính quyền xã, ấp, tích cực mở rộng mạng lưới gián điệp, “tình báo nhân dân”; đẩy mạnh các hoạt động chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, chiêu hàng, với những chiến dịch “tìm về nẻo sống”, “sống tình thương”, “về nguồn”, “lòng mẹ”... để lừa bịp, mê hoặc mọi người. Bằng những âm mưu, thủ đoạn đó, chúng đã tăng cường càn quét đánh phá mạnh ở các vùng bàn đạp, giành giật quyết liệt với ta, hòng ngăn chặn phong trào quần chúng, phá ấp mở vùng. Tuy nhiên, những cố gắng đó cũng không làm thay đổi được tình thế bất lợi cho địch.

Vào cuối tháng 3/1972, quân Mỹ đã rút khỏi Bình Thuận, Bình Tuy, chỉ để lại một ít cố vấn ở những nơi cần thiết. Tình hình đó đã tạo thuận lợi cho 2 tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy và Quân khu 6 mở chiến dịch tổng hợp đánh phá bình định, đánh tiêu diệt, tiêu hao và làm tan rã một bộ phận chủ yếu của quân Ngụy, nhất là lực lượng cơ động và bọn tề ác ôn, làm rệu rã bộ máy kềm ở cơ sở; tạo điều kiện đưa dân về ruộng đất cũ làm ăn, khôi phục lại vùng giải phóng, mở thêm vùng giải phóng mới, xây dựng thực lực cách mạng, phát triển LLVT để tấn công địch, giành thắng lợi quyết định. Đầu tháng 10/1972, theo chỉ thị của Miền, tất cả các lực lượng của khu, tỉnh, huyện đều triển khai xuống các địa bàn xã, áp sát đường giao thông để tấn công địch, hỗ trợ cho mặt trận ngoại giao giành thắng lợi. Ngày 27/01/1973, hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết chính thức và có hiệu lực lúc 07 giờ ngày 28/01/1973. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố chưa chịu từ bỏ miền Nam Việt Nam, tiếp tục “hà hơi tiếp sức” cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, tuyên bố không thực hiện ngừng bắn và ra lệnh cho quân Ngụy tiến hành kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, nhằm đánh chiếm các vùng căn cứ lõm, vùng du kích ở nông thôn, đồng bằng và miền núi, xua quân ra phản kích quyết liệt vào những vùng ta vừa giành chính quyền. Đoán biết trước âm mưu của địch, LLVT tỉnh đã áp sát địa bàn sẵn sàng đánh trả; đồng thời, điều chỉnh thế bố trí lực lượng và ta đã đánh bật hầu hết các cuộc phản kích của địch, giữ vững vùng căn cứ giải phóng.

Trong mùa khô năm 1974 - 1975, LLVT tỉnh mở chiến dịch tổng hợp trên địa bàn Tam Giác - Hàm Thuận; nổ súng tấn công quét sạch quân địch, giải phóng hoàn toàn các huyện Tánh Linh, Hoài Đức, nối liền với vùng giải phóng Tánh Linh và căn cứ Nam Sơn, tạo thành bàn đạp quan trọng cho lực lượng ta tiến công giải phóng vùng đồng bằng ven biển và ngược lên đường 20 giải phóng các tỉnh Tuyên Đức, Lâm Đồng.

Giữa lúc LLVT tỉnh đang chiến đấu quyết liệt, giành giật với địch trên từng khu vực đã giải phóng thì cuộc tiến công của các binh đoàn chủ lực cấp trên với khí thế “thần tốc, táo bạo” diễn ra hết sức sôi động, giải phóng hoàn toàn khu vực bắc Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung từ Trị Thiên đến Khánh Hòa. Trước tình hình phát triển nhanh chóng, Bộ Tư lệnh Quân khu 6 đã chỉ thị: “Các tỉnh không được trông chờ ỷ lại chủ lực, mà phải nỗ lực khắc phục khó khăn, khẩn trương với mức độ cao nhất, bám chắc tình hình, mạnh dạn xốc tới tiêu diệt địch, giải phóng quê hương”. Chấp hành chỉ thị của Quân khu, quân và dân Bình Thuận, Bình Tuy dồn sức chuẩn bị phối hợp với lực lượng cấp trên vào giải phóng địa phương. Nhằm đẩy địch nhanh chóng rơi vào thế cô lập, Ban Chỉ huy giải phóng Bình Thuận quyết định đánh chiếm một số mục tiêu then chốt trên đường 1 và đường 8 để chia cắt địch, tạo điều kiện cho chủ lực của Bộ đánh chiếm Phan Rang, Ninh Thuận. Mất Ma Lâm - Thiện Giáo, Phú Long, bọn địch ở Phan Thiết sửng sốt, hoang mang. Chúng tổ chức nhiều đợt phản kích, có máy bay, pháo binh hỗ trợ hòng chiếm lại cầu Phú Long (đường 1), cầu Đôi, cầu Trắng (đường 8); nhưng các đơn vị LLVT tỉnh đã anh dũng bám trụ, đánh lui tất cả các đợt phản kích của địch, giữ vững huyết mạch giao thông. Đồng thời, cùng với các đơn vị của trên, tiến công giải phóng Bình Thuận vào ngày 19/4/1975, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Sau ngày giải phóng, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp; cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tích cực tham gia làm nhiệm vụ quân quản, truy quét tàn quân, Fulro, bảo vệ biển, đảo; xây dựng, củng cố lực lượng, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, thu gom hàng trăm tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh các loại; rà, phá, tháo gỡ hàng chục nghìn quả bom, mìn, lựu đạn; phục hóa hàng chục nghìn héc-ta đất canh tác cho nhân dân; điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biệt phái sang các ngành, các cơ quan Nhà nước để tham gia củng cố, xây dựng chính quyền. Đồng thời, chấp hành chỉ thị của trên, một số đơn vị LLVT tỉnh đã tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân Cam-pu-chia về tinh thần quốc tế trong sáng, cao cả của quân tình nguyện Việt Nam.

Phát huy phẩm chất truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”; trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, LLVT tỉnh luôn đoàn kết tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; làm tốt chức năng tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân và khu vực phòng thủ vững chắc, khả năng bảo vệ địa bàn, ứng phó với các tình huống quốc phòng - an ninh được đảm bảo. LLVT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tỉnh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; tổ chức tốt công tác diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chiến đấu - trị an, diễn tập phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tìm kiếm, cứu nạn..., góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Lực lượng thường trực của tỉnh được quan tâm xây dựng vững mạnh toàn diện, coi trọng chất lượng chính trị; công tác huấn luyện được đổi mới, chú trọng huấn luyện đêm, luyện tập xử trí các tình huống trong cơ động, phòng tránh đánh trả địch tiến công hỏa lực bằng vũ khí công nghệ cao. Kết quả huấn luyện thực chất hơn; trình độ tổ chức hội thi, hội thao được nâng lên, đạt kết quả tích cực. Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, bảo đảm số lượng, chất lượng. Đặc biệt, công tác xây dựng lực lượng dân quân biển được chú trọng; đến nay, nhiều trung đội dân quân biển ở các xã, phường ven biển và đảo Phú Quý hoạt động có nền nếp, hiệu quả; góp phần cùng với các lực lượng chức năng bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của tỉnh.

Công tác giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh được triển khai rộng khắp cho các đối tượng. Thực hiện tốt công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự; giải quyết tốt chế độ, chính sách thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và những chính sách còn tồn đọng trong chiến tranh; tham mưu thực hiện Đề án quy tập hài cốt liệt sĩ đạt kết quả tốt. Quan tâm chăm lo, phụng dưỡng gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng; làm tốt công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa; tích cực thực hiện phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”; thực hiện tốt chương trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”...

Công tác hậu cần phục vụ nhiệm vụ thường xuyên và sẵn sàng chiến đấu được đảm bảo; thực hiện tốt phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác dạy”. Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, quy hoạch khu tăng gia sản xuất tập trung kết hợp với căn cứ hậu cần - kỹ thuật. Công tác quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông ngày càng đi vào chiều sâu.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Các chi, đảng bộ trong LLVT tỉnh được quan tâm củng cố, kiện toàn; toàn Đảng bộ luôn đoàn kết, thống nhất cao, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Quân đội và địa phương phát động; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; xây dựng Đảng bộ Quân sự trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện.

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với những thành tích đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ngày 20/12/1979, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” cho quân và dân tỉnh Bình Thuận và đã trao tặng cho LLVT tỉnh 02 Huân chương Sao vàng, 03 Huân chương Hồ Chí Minh, 07 Huân chương Thành đồng Quyết thắng, 14 Huân chương Độc lập, 57 Huân chương Quân công, 22.540 Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác. Trong những chiến công ấy đã thấm đượm tinh thần, ý chí của trên 12 nghìn người con thân yêu trên khắp mọi miền đất nước và của tỉnh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất Bình Thuận kiên cường, bất khuất; của gần 5 nghìn thương binh; trên 740 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 80 tập thể, cá nhân Anh hùng LLVT và đó cũng chính là ý chí, tinh thần kiên cường, dũng cảm của bao lớp cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh. Tất cả đã tô thắm thêm truyền thống quý báu “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang” của LLVT tỉnh.

Tiếp tục thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước sẽ có những diễn biến mới, phức tạp, khó lường. Mục tiêu trọng yếu về quốc phòng, an ninh trong thời gian tới là: Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi tích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Để góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Bình Thuận tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

- Tăng cường tuyên truyền sâu rộng lịch sử truyền thống vẻ vang qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT tỉnh. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi người nhận rõ đặc điểm tình hình của đất nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, nham hiểm của các thế lực thù địch, nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác cách mạng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng ý thức quốc phòng toàn dân, kịp thời phát hiện, đấu tranh, dập tắt mọi hành vi nhen nhóm của kẻ xấu và các thế lực thù địch, phản động, kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ những thành quả cách mạng vĩ đại mà nhân dân ta đã giành được.

- Tập trung xây dựng LLVT tỉnh ngày càng vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, gắn với tăng cường công tác xây dựng Đảng. Trong mọi hoạt động của LLVT tỉnh phải bảo đảm vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của cấp ủy Đảng; mỗi đảng viên, cán bộ, chiến sĩ phải không ngừng xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là quan điểm “phi chính trị hóa” Quân đội, gây mâu thuẫn giữa các LLVT và giữa LLVT với nhân dân; phòng chống có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nêu cao ý chí chiến đấu, ý thức chấp hành pháp luật, siết chặt đoàn kết nội bộ và kỷ luật Quân đội, sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chú trọng xây dựng và phát huy đúng mức vai trò của lực lượng dân quân tự vệ; không ngừng rèn luyện, nâng cao khả năng và trình độ sẵn sàng chiến đấu; phải coi trọng việc xây dựng tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên trong LLVT tỉnh đạt “trong sạch, vững mạnh”. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển đảng viên mới trong LLVT, quan tâm đúng mức đến chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng trong lực lượng dân quân tự vệ. Trong công tác xây dựng Đảng, tiếp tục nâng cao chất lượng việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày càng đi chiều sâu, gắn với tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Phát huy đúng mức vai trò, trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu mỗi cấp, mỗi cơ quan, đơn vị LLVT tỉnh.

- Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng tiềm lực quốc phòng, xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Nâng cao chất lượng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, chú trọng huấn luyện cho tất cả các đối tượng sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị trong biên chế; làm chủ các loại vũ khí mới. Tăng cường huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tình hình mới. Đồng thời, làm tốt hơn nữa công tác dân vận, gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo đời sống của nhân dân, tham gia thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, tích cực thực hiện tốt phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, kịp thời giúp đỡ nhân dân khi gặp thiên tai, hoạn nạn, chú ý các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ kháng chiến cũ, vùng bãi ngang ven biển và huyện đảo Phú Quý.

- Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh phải quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ quân sự - quốc phòng nói chung và nhiệm vụ xây dựng LLVT các cấp trong tỉnh nói riêng, phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, với những giải pháp cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị và có hiệu quả thiết thực. Các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với LLVT trên những lĩnh vực hoạt động theo chức năng của tổ chức mình, tạo điều kiện thuận lợi để LLVT tỉnh hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ chính trị được giao.

- Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tiếp tục nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”; ra sức xây dựng đội ngũ của mình ngày càng vững mạnh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, mãi mãi xứng đáng với danh hiệu cao quý “Anh hùng LLVT nhân dân”, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tiếp tục có những cống hiến xuất sắc hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.


Các tin khác

SỐ LƯỢT TRUY CẬP